Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân

Việt Tuấn| 25/07/2017 07:30

(HNM) - Tiếp công dân là hoạt động rất quan trọng đối với đại biểu HĐND. Ngoài việc tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân, đây còn là dịp để cử tri đánh giá năng lực xử lý thông tin của cơ quan HĐND và đại biểu - người đại diện cho mình.

Cử tri quận Hà Đông mong muốn đại biểu HĐND quan tâm, xử lý kịp thời các kiến nghị của người dân. Ảnh: Bá Hoạt


Tiếp nhận, xử lý kịp thời

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực và đại biểu HĐND TP Hà Nội đã tiếp công dân tại nơi ứng cử theo đúng quy định. Trước mỗi kỳ tiếp công dân, các tổ đại biểu đều thông báo rõ thời gian, địa điểm, lịch tiếp của từng đại biểu qua phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở tiếp công dân các quận, huyện, thị xã để nhân dân biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 208 lượt đại biểu HĐND thành phố tiếp công dân theo lịch tại trụ sở của 30 quận, huyện, thị xã. Điểm chung là các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp tốt với Thường trực HĐND, UBND các địa phương, chủ động nắm bắt tình hình thực tế cũng như các quy định của thành phố trong quá trình xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri. “Thông qua công tác tiếp dân, cử tri sẽ đánh giá năng lực xử lý thông tin của cơ quan HĐND và các đại biểu. Vì thế, ngoài tiếp nhận đơn, đại biểu HĐND thành phố còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước tới công dân” - bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Sau khi tiếp nhận, phân loại đơn, thư, chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết, Văn phòng HĐND thành phố còn tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố tổ chức tiếp công dân, xem xét các vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Đã có 4 vụ việc, Thường trực HĐND thành phố kết luận, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sớm thực hiện, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Đó là đề nghị không thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang mới ở khu Bãi Xém, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên vì sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân; việc đền bù giải phóng mặt bằng của ông Nguyễn Hữu Cường, trú tổ 15, đường Lâm Tiên, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh; việc giải quyết tranh chấp đất đai của ông Nguyễn Văn Triệu, thôn Mùi, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai và của ông Trần Văn Thanh, thôn 2, xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất.

Trao đổi về một trong 4 vụ việc nêu trên, ông Hoàng Văn Dũng ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, sau buổi tiếp công dân của Thường trực HĐND về đề nghị không thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang mới ở khu Bãi Xém, tháng 6-2017, UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất của quận Long Biên cho phép tạm dừng nghiên cứu, lập dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang Bãi Xém. UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng, UBND quận Long Biên và các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát quy mô, địa điểm di dời, quy tập mộ thuộc dự án nêu trên, đề xuất giải pháp thực hiện, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch được duyệt.

Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng

Trao đổi kinh nghiệm về công tác này, nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng, ngoài kỹ năng tiếp nhận, giải thích với công dân, người đại biểu cần nắm rõ tâm lý, phong tục tập quán của từng địa phương để có ứng xử phù hợp. Bên cạnh đó, việc rà soát trả lời kết quả đơn, thư chuyển đến cơ quan chức năng của Văn phòng HĐND thành phố cũng phải kịp thời và việc đôn đốc các cơ quan chậm giải quyết cũng hết sức quan trọng nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ.

Nhấn mạnh hiệu quả trong hoạt động tiếp công dân là tăng trách nhiệm của mỗi đại biểu, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, sau khi tiếp nhận cần “đeo bám” đến cùng vụ việc. Phát huy những kinh nghiệm trong thời gian qua, cuối tháng 7 này, Ban Pháp chế sẽ giám sát việc thực hiện các văn bản kết luận sau thanh tra, kết luận về nội dung tố cáo và quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Sáu tháng đầu năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý 720 đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Văn phòng HĐND thành phố đã tham mưu Thường trực HĐND thành phố xử lý, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 167 đơn; hướng dẫn 3 đơn và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 15 đơn; lưu 535 đơn (do trùng, không rõ nội dung, nặc danh, đã giải quyết hết thẩm quyền).

Phó Chánh Văn phòng HĐND thành phố Vũ Quang Chinh cũng cho biết, thời gian tới, ngoài tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định, Văn phòng HĐND thành phố sẽ tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố lựa chọn một số vụ việc nổi cộm (nếu có) để tiếp công dân. Sau đó, Thường trực HĐND thành phố sẽ có kết luận, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai thực hiện, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Liên quan đến công tác này, HĐND thành phố khóa XV đã ban hành Nghị quyết quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn TP Hà Nội, với dự kiến tổng kinh phí hằng năm hơn 8,1 tỷ đồng. Tất cả những việc làm này nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.