(HNM) - Hà Nội là Thủ đô - trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; mỗi tập thể, cá nhân đều luôn phấn đấu để xứng đáng với vị thế đó, gương mẫu, đi đầu trên các lĩnh vực.
5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trên toàn thành phố đã có nhiều đổi mới, tạo động lực quan trọng góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
5 năm qua, thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng; Kết luận 83-KL/TƯ của Ban Bí thư về "Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến", Chỉ thị 725/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch 5 năm (2011 - 2015), Hà Nội đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn.
Trong đó, thành phố tập trung vào việc nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn. Các phong trào thi đua được phát động gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, nhằm giải quyết các khó khăn của thành phố. Công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, tập trung theo hướng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; quan tâm nhiều hơn tới các tập thể nhỏ, cá nhân NLĐ trực tiếp.
Việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua đã đóng góp tích cực trong hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, vì một Thủ đô văn minh, hiện đại. Ảnh: Vũ Long |
Điển hình trong các phong trào thi đua tiêu biểu của thành phố có phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Phong trào đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm. Phong trào thi đua thực hiện "Năm kỷ cương hành chính" đã tạo chuyển biến rõ nét trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác cải cách hành chính đã có những bước phát triển đáng kể.
Năm 2014, chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 6 bậc so với năm trước, xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố; chỉ số ứng dụng CNTT xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Phong trào thi đua thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" được tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, thu được kết quả tốt. Thành phố đã sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, trật tự an toàn giao thông được bảo đảm. Phong trào thi đua hành động "Năm an toàn giao thông" và triển khai chương trình mục tiêu giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2012 - 2015 tạo hiệu quả rõ rệt, tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông được cải thiện.
Tai nạn giao thông qua các năm đều giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; hầu hết các điểm đen về tai nạn giao thông có liên quan tới hạ tầng được xử lý. Đáng chú ý, phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" tiếp tục được phát triển, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được đông đảo nhân dân Thủ đô hoan nghênh và học tập. Hằng năm, thành phố và các cấp, các ngành phát động thi đua thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững.
Công nhân lao động Thủ đô hăng hái thi đua bằng những công việc thiết thực hằng ngày.Ảnh: bá hoạt |
Các phong trào thi đua đã được các cấp, các ngành chú trọng đẩy mạnh, góp phần tạo ra tăng trưởng nhanh, bền vững. Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, các phong trào "Ôn luyện tay nghề - Thi thợ giỏi", "Giỏi một nghề, biết nhiều việc", "Thi đua cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm"... được đẩy mạnh, hướng vào xây dựng sản phẩm chủ lực, tập trung vào các ngành có trình độ công nghệ cao, các nhóm sản phẩm công nghiệp có lợi thế và thương hiệu hội nhập khu vực và quốc tế...
Thông qua phong trào đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị gia tăng bình quân 5 năm khoảng 9%. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, các phong trào "Dồn điền, đổi thửa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi", "Thi đua vì một nền nông nghiệp chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm", "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"… được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Cơ cấu nội ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, bình quân đạt 4,3%/năm. Nông nghiệp được cơ cấu phát triển theo hướng sinh thái, hiện đại, kỹ thuật cao. Nhiều mô hình như cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, hoa, cây ăn quả chất lượng cao, giá trị sản xuất lớn ở các huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất... được áp dụng, tạo lợi nhuận 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm...
Từ các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có nhiều đổi mới trong 5 năm qua, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Qua các phong trào xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được các cấp khen thưởng và ghi nhận như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Công ty CP Xích líp Đông Anh, Công ty CP Khóa Việt - Tiệp, Công ty Điện tử Hà Nội; Công ty thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức); ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức; bà Đào Thị Thiện, Chủ nhiệm HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn)...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua từ cơ sở lên thành phố đã góp phần tạo ra khí thế thi đua đồng đều và rộng khắp; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn thành phố góp phần hoàn thành tốt ba mục tiêu lớn: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố đã hoàn thành và vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV đề ra. Thủ đô đã phát huy tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Kinh tế tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá; xây dựng, quản lý đô thị, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; chính trị - xã hội trên địa bàn luôn ổn định; an ninh, quốc phòng, đối ngoại được củng cố và tăng cường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.