(HNMO)- Sáng 11-7, phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XIV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, từ nay đến cuối năm để thúc đẩy kinh tế Thủ đô...
Kinh tế tăng trưởng thấp so với kế hoạch
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Hà Nội phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Trong đó, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tác động trực tiếp tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô và cả nước. Tuy nhiên, thành phố đã bám sát chỉ đạo của trung ương và thực tế tình hình ở Thủ đô, nỗ lực cố gắng, chủ động, quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá, những giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, nhất là các giải pháp về vốn, thị trường, giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, tháo gỡ thị trường bất động sản, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đào tạo, giải quyết lao động việc làm, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội,.... kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt được kết quả khá toàn diện: Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá đạt 7,4%, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 6,6, quý II tăng 8,1).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XIV |
Trong đó, xuất khẩu có xu hướng phục hồi (ước tăng 14,4% so cùng kỳ năm trước); du lịch tiếp tục phát triển, với lượng khách lưu trú 6 tháng đầu năm ước đạt 5,9 triệu lượt khách (tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước), trong đó khách quốc tế đạt 1,1 triệu lượt, (tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước); nông nghiệp vẫn ổn định đạt tăng trưởng 2%; thu ngân sách trên địa bàn đạt khá, ước thực hiện 62.715 tỷ đồng (đạt 49,7% dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ); chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 1,16% so với tháng 12 năm 2013.
Trong 6 tháng đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, các chính sách giãn, hoãn, miễn tiền thuế, tiền sử dụng đất; tổ chức rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu dự án bất động sản; triển khai thực hiện quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở; giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên ở mức 5% (giảm 1%). Thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố có dấu hiệu ấm dần, tồn kho đã giảm.
Bên cạnh đó, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể dục thể thao,... tiếp tục chuyển biến tiến bộ; lao động, việc làm được quan tâm giải quyết; an sinh xã hội cơ bản đảm bảo. Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị được tăng cường. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là việc dồn điền đổi thửa thực hiện khá nhanh, đến nay đã có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 2 xã so với cuối năm 2013).
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trước diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia tuần hành, biểu tình trái pháp luật, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các khu công nghiệp để nắm tình hình, làm công tác tuyên truyền vận động; các cơ quan chức năng đã phối hợp tốt với các cơ quan trung ương ngăn chặn kịp thời, không để số đối tượng chống đối lợi dụng để kích động gây rối, bạo loạn, gây mất trật tự trên địa bàn; thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của doanh nghiệp, các cơ quan nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế.
6 tháng đầu năm, cải cách hành chính và môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh của thành phố có chuyển biến tích cực: chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 tăng 18 bậc lên vị trí 33; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và thực thi công vụ, Hà Nội đứng thứ 2 trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế, xã hội còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém, khó khăn. Trong đó, kinh tế thành phố tuy tăng trưởng ở mức khá nhưng thấp hơn cùng kỳ các năm trước và thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch đặt ra. Đáng chú ý, ngành công nghiệp liên tục tăng trưởng chậm dần; hoạt động thương mại kém sôi động hơn các năm trước; tổng vốn đầu tư xã hội không đạt so với kế hoạch; tăng trưởng dư nợ tín dụng thấp; doanh nghiệp tiếp tục khó khăn (số đăng ký thành lập mới giảm, số ngừng hoạt động tăng); việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đảm bảo kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
Chỉ đạo, điều hành trọng tâm, trọng điểm hơn
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, 6 tháng còn lại của năm 2014 là thời gian nước rút để các cấp, các ngành hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch và tạo đà quan trọng hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của cả nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong điều kiện dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn, thậm chí với mức độ có thể còn gay gắt hơn. Do đó, UBND thành phố Hà Nội xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành...
Trước hết, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp: hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ lãi suất, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; thực hiện tốt các chính sách tài khóa; chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách để đảm bảo cân đối theo kế hoạch, đồng thời kiểm soát chi, tiết kiệm, chống lãng phí; tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản; cung cấp thông tin, dự báo kịp thời về thị trường; chú trọng đa dạng hóa, mở rộng thị trường mới, tiềm năng; triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với diễn biến bất lợi do tình hình phức tạp trên biển Đông; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của Thành phố.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ưu tiên công tác tu bổ đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống lụt, bão, úng mùa mưa năm 2014. Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho sản xuất vụ mùa, vụ đông 2014 - 2015, tích cực áp dụng khoa học công nghệ, phát triển chăn nuôi theo hướng chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh bùng phát. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch nông thôn; tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa hơn 3 nghìn ha còn lại để hoàn tất việc dồn điền đổi thửa, hoàn thành chỉ tiêu 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, chú trọng giải quyết lao động, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng đô thị; đồng thời tăng cường công tác quản lý đô thị, phát triển văn hóa xã hội: Tập trung triển khai các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành, mạng lưới…; khắc phục những tồn tại trong công tác quy hoạch trong thời gian vừa qua; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phấn đấu đến hết năm 2014 cơ bản hoàn thành phủ kín quy hoạch xây dựng trên toàn địa bàn. Đẩy mạnh đầu tư, thu ngân sách, tiết kiệm chi, tập trung cho đầu tư phát triển. Tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, các dự án BT, BOT và đẩy mạnh thu hút FDI, ODA. Thực hiện huy động trái phiếu Thủ đô (3.000 tỷ đồng trong quý III) để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Ban hành và thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục rà soát để bố trí vốn đầu tư tập trung tránh dàn trải; khẩn trương tiến hành sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung "Năm trật tự và văn minh đô thị”, tạo chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực này nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay, trong đó tập trung vào: chỉnh trang đô thị, nâng cấp đường xá, vỉa hè, công viên; tiếp tục giải tỏa chợ cóc, chợ tạm; xử lý vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng sai phép, trái phép, thi công công trường không đảm bảo an toàn và vệ sinh; tiếp tục xử lý các nhà siêu mỏng, siêu méo; xây dựng nếp sống văn minh đô thị...
Ưu tiên nguồn lực, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường quản lý các công trình văn hóa; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ các đối tượng chính sách v.v.. Nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là y tế dự phòng. Có giải pháp cụ thể, thiết thực trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.
Quan tâm giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, trong đó nổi cộm là vấn đề vệ sinh môi trường và nước sạch sinh hoạt (đây là vấn đề mà nhiều cử tri và các đại biểu HĐND quan tâm, nêu ý kiến, kiến nghị). Tiếp tục giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới chỉ đạo, điều hành. Theo đó, UBND Thành phố xác định tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành: trọng tâm, trọng điểm hơn; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.