Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện Điều lệ Đảng gắn với cải cách hành chính

Quốc Bình| 04/12/2014 06:27

(HNM) - Quá trình thực hiện điều lệ Đảng ngay tại Đảng bộ TP Hà Nội cũng bộc lộ một số điểm khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ kịp thời.

Đan xen khó khăn, vướng mắc

Mới đây, đoàn kiểm tra của Tiểu ban Điều lệ Đảng đánh giá, Đảng bộ TP Hà Nội đã thực hiện Điều lệ Đảng một cách nghiêm túc và có sáng tạo. Đây là nguyên nhân giúp Đảng bộ thành phố đến nay đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng Đảng đề ra tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Điều lệ Đảng cũng bộc lộ nhiều vấn đề mới. Trong khi thành công về việc kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, Hà Nội lại đối diện với việc có thêm nhiều chi bộ đông đảng viên, nên việc bố trí điểm sinh hoạt khó khăn, ảnh hưởng đến việc thực hiện quy định sinh hoạt mỗi tháng một lần. Kết nạp vượt chỉ tiêu với trên 12.000 đảng viên mới/năm, nhưng Đảng bộ thành phố vẫn gặp khó khăn trong việc kết nạp đảng viên mới ở khu vực nông thôn, tổ dân phố, cụm dân cư, trong các công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn nhà nước dưới 50%. Một số chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên mới.

Dù kết nạp vượt chỉ tiêu với trên 12.000 đảng viên mới/năm, nhưng Đảng bộ thành phố vẫn gặp khó khăn trong việc kết nạp đảng viên mới ở khu vực nông thôn, tổ dân phố, cụm dân cư, trong các công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn nhà nước dưới 50%. Ảnh: Nhật Nam


Việc sắp xếp hệ thống tổ chức đảng theo ngành dọc như một số tổ chức đảng hiện nay nhìn chung thuận lợi trong việc chỉ đạo thống nhất từ Đảng đến chính quyền. Song đối với các đơn vị có lĩnh vực hoạt động rộng, số lượng đảng viên đông, tổ chức đảng nhiều, hoạt động trên địa bàn rộng khắp cả nước thì công tác quản lý đảng viên và tổ chức sinh hoạt đảng gặp nhiều khó khăn. Việc lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo công tác cán bộ của tổ chức đảng trong loại hình doanh nghiệp (DN) nhà nước sau cổ phần hóa, Nhà nước không nắm cổ phần chi phối, DN tư nhân, DN liên doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài là thật sự thách thức đối với cấp ủy đảng.

Thực tiễn tại Hà Nội cho thấy, mô hình ban cán sự đảng, đảng đoàn như hiện nay ở một số cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội về cơ bản là phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhưng hoạt động của ban cán sự đảng, đảng đoàn do tính đặc thù làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, cơ cấu gồm một số đồng chí lãnh đạo của cơ quan, đơn vị, bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn là đồng chí thủ trưởng cơ quan, nên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo có việc còn chồng chéo, chưa rõ nét.

Cần đẩy mạnh cải cách hành chính

Hà Nội có hơn 16 vạn đảng viên thực hiện sinh hoạt hai chiều theo Quy định 76-QĐ/TƯ của Trung ương. Tuy nhiên, khảo sát thực tiễn cho thấy, việc thực hiện quy định này vẫn nặng về hình thức. Mối liên hệ thật sự giữa đảng viên và chi ủy, đảng ủy cơ sở không nhiều, ít hiệu quả. Điều này đặt ra vấn đề cần phải có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, tránh lãng phí thời gian và công sức của đảng viên, tổ chức đảng.

Từ thực tế thực hiện Điều lệ Đảng, Thành ủy Hà Nội đã kiến nghị, đề xuất Trung ương điều chỉnh một số nội dung. Về việc miễn sinh hoạt đảng, nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, nghiêm túc, Thành ủy Hà Nội đề nghị điều chỉnh theo hướng không để chi bộ tự xem xét, quyết định mà chỉ để chi bộ xem xét, nhưng quyết định phải do đảng ủy. Ngoài ra, Trung ương nên có hướng dẫn cụ thể trong việc quản lý sinh viên là đảng viên được ở lại sinh hoạt tại đảng bộ trường 1 năm sau khi ra trường khi chưa tìm được việc làm. Những đảng bộ cơ sở trong cơ quan, DN có trên 200 đảng viên cần được bố trí cán bộ chuyên trách đảng, đảng bộ cơ sở có trên 300 đảng viên cần bố trí 1 ủy viên UBKT chuyên trách cũng đang cần có hướng dẫn thực hiện.

Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng, Thành ủy Hà Nội cho rằng việc giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng thực hiện như quy định tại Điều 39, Quyết định số 46 chưa hợp lý. Vì thực tế cho thấy, nếu đảng viên, tổ chức đảng thực hiện quyền khiếu nại theo trình tự từ cấp cơ sở đến cấp trung ương, phải trải qua 9 cấp giải quyết với thời gian trên 1.000 ngày, như vậy rất lãng phí về thời gian, tài chính, công sức của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Trung ương sửa đổi quy định theo hướng cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng là cơ quan có thẩm quyền quyết định thi hành kỷ luật cách cơ quan ban hành quyết định kỷ luật bị khiếu nại 2 cấp. Làm như vậy vừa bảo đảm tiết kiệm thời gian, tài chính, vừa bảo đảm quyền lợi của đảng viên.

Đáng chú ý, trong trường hợp đảng viên bị khởi tố để điều tra nhưng được tại ngoại, tổ chức đảng có thẩm quyền đã gia hạn quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy 90 ngày làm việc, sau đó tiếp tục gia hạn thêm 90 ngày nữa, nhưng cơ quan điều tra chưa kết thúc vụ án, câu hỏi đặt ra là theo quy định tại điểm 4.4, khoản 4, Điều 40, Quyết định 46, tổ chức đảng có thẩm quyền có được tiếp tục gia hạn đình chỉ sinh hoạt đảng nữa hay không? Nếu có thì thời hạn là bao lâu? Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, cần cải cách hành chính trong Đảng để việc chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng thuận lợi, kịp thời. Thực tế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, một số cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội đã gặp khó khăn trong việc chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng.

Những vấn đề mới nảy sinh nói trên tuy chưa phải là thật lớn nhưng phần nào gây khó khăn cho các cấp ủy đảng trong quá trình thực hiện Điều lệ Đảng, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Điều lệ Đảng gắn với cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.