Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: Tự phát, thiếu đồng bộ

Đỗ Minh| 03/01/2014 06:24

(HNM) - Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, bộc lộ nhiều hạn chế, cần được khắc phục…


Trước khi triển khai đề án cơ giới hóa, tốc độ cơ giới hóa của Hà Nội rất thấp so với bình quân chung của cả nước và khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong trồng trọt mới có khâu làm đất tỷ lệ cơ giới hóa đạt 69,2%, nhưng hầu hết là loại máy có công suất nhỏ, phục vụ cho mô hình nông hộ; máy gặt đập liên hợp và máy cày còn chiếm tỷ lệ rất thấp (dưới 10%). Việc sử dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đều ở mức dưới 20% và chủ yếu là máy bán tự động. Ở một số khâu sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, việc sử dụng cơ giới hóa còn đạt rất thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

Máy gặt lúa tại Chương Mỹ.


Năm 2013, khi Hà Nội triển khai thực hiện đề án cơ giới hóa, toàn thành phố đã đầu tư 4 khâu cơ giới hóa trong trồng trọt, 5 khâu cơ giới hóa trong chăn nuôi. Các mô hình cơ giới hóa đã làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi 10-15%; chi phí sản xuất giảm 0,7-2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch 2-3%, bảo đảm tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả đầu tư vào cơ giới hóa trong sản xuất tăng 1,15-1,2 lần so với lao động thủ công. Đặc biệt, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động nông thôn, giảm bớt khó khăn, nặng nhọc cho người dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, bộc lộ nhiều hạn chế. Trong sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất còn thấp. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa đầu tư cơ giới hóa theo hướng khép kín, đồng bộ, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới môi trường…

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu cho rằng, muốn đưa cơ giới hóa vào sản xuất, công tác dồn điền, đổi thửa đóng vai trò then chốt. Từ nhận thức đó, Phú Xuyên đã đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, đồng thời cấp ủy có nghị quyết và UBND huyện đã có cơ chế hỗ trợ 70 triệu/máy cày (huyện 45 triệu đồng, xã 15 triệu đồng, HTX 10 triệu đồng). Đến nay, toàn huyện Phú Xuyên có 115 máy cấy, sản xuất nông nghiệp từng bước được hiện đại hóa. Không chỉ có Phú Xuyên, nhiều huyện trên địa bàn Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ đối với việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Huyện Thanh Oai hỗ trợ 50% giá trị máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp cho HTX dịch vụ nông nghiệp; huyện Sóc Sơn hỗ trợ 100% giá trị máy cấy cho các hộ tham gia mô hình cơ giới hóa và dành 2 tỷ đồng cho vay không lãi suất để hỗ trợ các hộ đầu tư cơ giới hóa.

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, bảo đảm hoàn thành 80% diện tích đất nông nghiệp được dồn đổi trong năm 2014. Đồng thời, triển khai các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo điều kiện cho phát triển cơ giới hóa. Việc củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn và các HTX nông nghiệp phải là nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa.

Năm 2013, thành phố đã đầu tư 460 máy làm đất 15 mã lực và 195 máy làm đất 24 mã lực, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất từ 69,22% lên 85,1%; 78 máy gặt đập liên hợp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa từ 7,8% lên 10,1%; 167 máy cấy, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy lúa từ 0,04% lên 1,64%… Đối với chăn nuôi, đã bổ sung thêm 480 máy vắt sữa, đưa tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu này từ 16,5% lên 42,7%; 200 hệ thống ăn bán tự động, 59 hệ thống làm mát chuồng nuôi. Đầu tư 20 hệ thống làm mát, 190 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động cho chăn nuôi lợn, nâng tỷ lệ cơ giới hóa từ 11,8% lên 16,5%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: Tự phát, thiếu đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.