(HNM) - Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố Hà Nội đã công nhận, cấp sao cho hàng trăm sản phẩm. Mới đây, Đoàn công tác của thành phố đã kiểm tra tại một số địa phương để nắm bắt thực tế việc phát huy giá trị, quản lý chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm OCOP... qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.
Hiệu ứng tốt hơn dù vẫn còn khó khăn
Năm 2019, có 4 sản phẩm sữa của Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Ông Khúc Văn Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã cho biết: Sau 1 năm được công nhận sản phẩm OCOP, hiệu ứng của việc này thấy rõ. Đơn vị ngày càng duy trì ổn định sản xuất và đang ký thu mua sữa của 40 hộ chăn nuôi với sản lượng 2 tấn sữa tươi/ngày.
Tương tự, ông Kiều Văn Quý, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Quý Thảo (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) nói rằng: "Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi được hỗ trợ tham dự nhiều hội chợ quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy sản xuất được mở rộng hơn so với trước đây. Hiện mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình xuất xưởng 200kg kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng". Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức) Duy Ngọc Linh cho biết: Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm “Bún gạo Minh Dương” đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn hơn và được xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận OCOP đều có chất lượng cao. Các chủ thể sản xuất tạo được niềm tin nhiều hơn với người tiêu dùng để phát triển sản phẩm. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn còn một số chủ thể gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Phan Ngọc Tú, chủ trang trại chăn nuôi đà điểu ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) cho biết: Đơn vị trực tiếp và liên kết với các hộ dân trong vùng nuôi đà điểu với số lượng thường xuyên khoảng 1.000 con. Trung bình mỗi ngày, cơ sở giết mổ 10 con đà điểu (hơn 1 tấn) để bán thịt và chế biến thành các sản phẩm giò, chả, xúc xích... "Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một thời gian dài chúng tôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, việc tiêu thụ đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chỉ bằng 1/10 so với trước”, ông Phan Ngọc Tú nói.
Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền cũng nêu một số khó khăn hiện nay đối với các chủ thể sản phẩm OCOP là tìm kiếm thị trường, thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất...
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, ông Phan Ngọc Tú, chủ trang trại chăn nuôi đà điểu ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đề xuất các cơ quan chức năng của thành phố tạo điều kiện hỗ trợ vốn ưu đãi để duy trì sản xuất; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. “Ba Vì có thế mạnh về du lịch. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm”, ông Phan Ngọc Tú đề xuất.
Trong khi đó, ông Khúc Văn Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng cho biết: Cơ sở sản xuất của hợp tác xã chật hẹp, rất khó để mở rộng thêm. Hợp tác xã mong muốn được thuê đất để trực tiếp chăn nuôi và xây dựng nhà máy có công nghệ hiện đại hơn trong chế biến sữa bò.
Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng thông tin: Trước thực tế đòi hỏi, huyện đang tìm quỹ đất phù hợp, xa khu dân cư để xây dựng phương án cho các hộ, hợp tác xã thuê đất phát triển chăn nuôi, chế biến sữa với diện tích khoảng 20ha, trong đó sẽ ưu tiên các chủ thể tham gia OCOP.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền thông tin: Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu việc in tem nhãn OCOP để cấp cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận. Thành phố cũng giao Sở Công Thương xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho các sản phẩm đến tay người tiêu dùng... Với kiến nghị của các chủ thể, đơn vị sẽ tổng hợp để tham mưu thành phố có các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển bền vững.
Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các chủ thể có sản phẩm OCOP cũng đang nỗ lực vượt khó khăn. Ông Vũ Khắc Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm thủy sản Thuần Việt (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây) cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp cùng các đơn vị mở điểm bán sản phẩm OCOP của Công ty ở nội thành Hà Nội để đưa sản phẩm đến khách hàng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.