(HNM) - Việc cải cách chính sách tiền lương được thực thi như thế nào; các cơ quan chức năng sẽ làm gì để có nguồn lực thực hiện chính sách tiền lương mới từ tháng 7-2021 là vấn đề nhận được sự quan tâm của xã hội. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chính sách tiền lương mới sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
- Theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, việc cải cách tiền lương được khởi động từ năm 2018. Xin ông cho biết, sau gần 2 năm thực thi, nghị quyết này đi vào đời sống như thế nào?
- Mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ là trong giai đoạn 2018-2020, tiền lương cơ sở ở khu vực công tiếp tục được điều chỉnh tăng theo nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Còn tiền lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp được điều chỉnh tăng cho phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp…
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, hằng năm, Nhà nước tiến hành điều chỉnh tăng lương cơ sở và lương tối thiểu vùng để bù đắp phần tiền lương thiếu hụt cho người lao động cả khu vực công và tư, nhằm bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động. Trong năm 2020, tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 5,3% từ ngày 1-1; mức lương cơ sở cũng được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng (tăng 7,3%), bắt đầu từ ngày 1-7. Đây là bước chuẩn bị để tiến tới cải cách tiền lương toàn diện vào năm 2021.
- Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tiền lương đã được điều chỉnh tăng liên tục, song mức lương hiện nay vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động được hưởng lương. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đúng vậy! Kết quả nhiều cuộc khảo sát về tiền lương, mức sống của người lao động ở cả khu vực công và tư cho thấy, mức tiền lương bình quân chi trả cho người lao động hiện nay chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tiền lương thấp hơn mức sống chưa tạo ra động lực để người lao động nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc; năng suất lao động ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực còn thấp… Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng như người hưởng lương phải nỗ lực nhiều hơn mới có thể thực hiện được mục tiêu cải cách toàn diện chính sách tiền lương từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ.
Bởi, với chính sách tiền lương mới, từ năm 2021 trở đi, mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức phải bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
Đối với khu vực doanh nghiệp, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể của người lao động, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp…
- Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công diễn ra vào đầu tháng 3-2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ấn định thời gian bắt đầu cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2021. Thời gian chuẩn bị không còn dài, các cơ quan, đơn vị chức năng, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, người lao động phải làm gì để bảo đảm nguồn lực thực hiện việc này, thưa ông?
- Để thực hiện tốt chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình đã được đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục sắp xếp tổ chức, tinh giản bộ máy; bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm… Các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ tính ưu việt của chính sách cải cách tiền lương.
Về nguồn lực để cải cách tiền lương đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 27-NQ/TƯ. Song, theo tôi, để huy động nguồn lực, các bên liên quan phải nhất quán quan điểm, tiền lương là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình người hưởng lương. Việc trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc. Do vậy, ngoài việc thực hiện sắp xếp bộ máy, các cơ quan, đơn vị phải tuân thủ các biện pháp tạo nguồn lực theo quy định và tiết kiệm chi. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập cần thực hiện tự chủ khi đủ điều kiện. Mỗi người hưởng lương cần trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn để nâng cao năng suất lao động, chất lượng công việc…
- Theo ông, chính sách tiền lương mới sẽ tác động như thế nào đến đời sống xã hội?
- Tinh thần cải cách tiền lương là lương mới phải cao hơn lương cũ, tương đối công bằng giữa các đối tượng hưởng lương. Vì vậy, việc thực thi chính sách này được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình họ… Đó là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.