Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hành dân chủ là chìa khóa để giải quyết mọi khó khăn (*)

15/05/2010 06:05

(HNM) - Với dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh là sự kết tinh những gì tốt đẹp, ưu tú nhất của trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống của con người và dân tộc Việt Nam.

Người tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh của dân tộc, cho bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Tinh hoa của dân tộc, lương tâm và khí phách của thời đại đã được thể hiện chân thực và cảm động, trong sáng và đẹp đẽ, cao thượng và bất khuất qua con người, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu ra một luận điểm rất khoa học và sáng tạo, tỏ rõ chính kiến độc lập đầy bản lĩnh của Người. Đó là, muốn áp dụng chủ nghĩa Mác, áp dụng lý thuyết cộng sản của Mác vào phương Đông và Việt Nam thì phải “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được” (Sđd, t.1, tr.465). Người cũng xác định rằng, nhiệm vụ ấy đang đặt ra về mặt lý luận mà những người cộng sản phải đáp ứng.

Những luận điểm nêu trên được Nguyễn Ái Quốc nói rõ vào năm 1924, đủ thấy tư chất và bản lĩnh sáng tạo của người cộng sản trẻ tuổi với sức bay của tư duy và tư tưởng vượt trước thời đại như thế nào. Sau này, Người còn có nhiều luận điểm sáng tạo khác đối với việc nhận thức bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Có thể nêu một vài thí dụ tiêu biểu. Người nhìn nhận chủ nghĩa Mác - Lênin trong dòng chảy của sự tiến hóa tư tưởng, biết thâu thái tất cả những gì tiến bộ, ưu tú, tinh hoa của tư tưởng, văn hóa nhân loại để vừa hiểu rõ sự phong phú của tư tưởng, văn hóa nhân loại, vừa thấy sự phát triển nhảy vọt của những tư tưởng mácxít vốn không tách rời, không ở bên ngoài mà ở trong tổng số và tổng hợp của toàn bộ những giá trị tinh hoa đó. Chẳng thế mà, trong khi tin và đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Người vẫn rất trân trọng tư tưởng từ bi, bác ái của đạo Phật, khoan dung văn hóa cao cả của chúa Giêsu, tinh thần thực tiễn trong Tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn. Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là khoa học và cách mạng, mà còn là đạo đức và văn hóa. Người đã từng chỉ rõ, đọc hàng trăm, hàng nghìn quyển sách Mác - Lênin mà ăn ở với nhau không có tình có nghĩa thì làm sao gọi là Mác - Lênin được. Người cũng là nhà tư tưởng mácxít nổi bật nhất khi tiếp cận chủ nghĩa xã hội, tiếp cận nền chính trị của giai cấp công nhân và bản chất của đảng cộng sản từ góc độ đạo đức học và văn hóa đạo đức. Người nói, chủ nghĩa xã hội đối lập với chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng xã hội chủ nghĩa đối lập với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, Đảng là đạo đức, là văn minh.

Hồ Chí Minh đã phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học bằng cách bổ sung một cách tiếp cận đạo đức học cũng đồng thời là một quan niệm cụ thể về chủ nghĩa xã hội. Người đã dự cảm từ rất sớm một vấn đề mà ngày nay ta càng thấy rõ tính hệ trọng đối với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội: Không đánh bại chủ nghĩa cá nhân thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Cũng như vậy, không bảo đảm thực hành dân chủ rộng rãi thì không thể chống được quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng. Rõ ràng, chủ nghĩa xã hội là đối lập với chủ nghĩa cá nhân. Thành bại của chủ nghĩa xã hội tùy thuộc vào chỗ, những người xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là đội ngũ tiên phong có đủ dũng khí và quyết tâm để đánh thắng thứ “giặc nội xâm” mà Người coi là kẻ thù nguy hiểm nhất hay không? Do đó, chủ nghĩa xã hội không chỉ là kinh tế - một nền kinh tế phồn vinh, giàu có, một thể chế chính trị dân chủ - pháp quyền, bảo đảm quyền làm chủ thực chất của nhân dân, một xã hội công bằng, bình đẳng cho sự phát triển hài hòa cá nhân và cộng đồng, mà còn là một nền tảng đạo đức trong sạch, thấm sâu vào các quan hệ xã hội lành mạnh, một hệ giá trị văn hóa nhân bản, nhân đạo và nhân văn, kết hợp được truyền thống, bản sắc dân tộc với những tinh hoa của thời đại vì độc lập - tự do - hạnh phúc cho mọi con người, mọi dân tộc.

Sự sâu sắc và tinh tế văn hóa, đặc biệt là văn hóa đạo đức của Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người đem vào tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội một nhiệm vụ chiến lược - “trồng người”, đào tạo, giáo dục, rèn luyện cán bộ, coi đó là công việc gốc của Đảng; và thực hành đạo đức cách mạng được Người quan tâm suốt đời như một chiến lược, cả tư tưởng lẫn hành động. Chiến lược đó là cốt lõi của chiến lược con người, chiến lược xây dựng, phát triển, đồng thời là chiến lược bảo vệ chủ nghĩa xã hội, làm cho cách mạng, Đảng cách mạng, người cách mạng, có sức mạnh tự bảo vệ. Điều đó cho thấy, tư duy chiến lược của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở tầm thời đại và hiện đại như thế nào, nhất là đem tư tưởng của Người soi rọi vào tình hình hiện nay cũng như trước những đòi hỏi mới của thời đại, trong xu thế toàn cầu hóa và trong bối cảnh hội nhập.

Người chỉ rõ, bản chất sâu xa và tính ưu việt nổi bật của chủ nghĩa xã hội là thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Người khẳng định, không gì quý bằng dân, không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân và dân chủ là quý báu nhất trên đời của dân. Là chủ thể gốc của mọi quyền lực, nhân dân phải là chủ sở hữu đích thực của dân chủ, phải là chủ xã hội, chủ nhà nước, kiểm soát được nhà nước của mình và xã hội phải là một xã hội dân chủ. Người còn nhấn mạnh, thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Vậy là, Người đã thấy vai trò động lực của dân chủ đối với tiến bộ và phát triển, đối với chủ nghĩa xã hội.

PGS - TS TÔ HUY RỨA
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương


----------
(*) Đầu đề do Báo Hànộimới đặt
(Lược ghi tham luận của đồng chí Tô Huy Rứa tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hành dân chủ là chìa khóa để giải quyết mọi khó khăn (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.