(HNM) - Sử dụng trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, vì giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận hành, chăm sóc khách hàng tốt hơn... Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vẫn còn ít, chưa toàn diện. Để thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Hoàn thiện khung pháp lý, có chính sách hỗ trợ phù hợp…
Ứng dụng đạt hiệu quả cao
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả cao. Các doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup... đã thành lập các dự án nghiên cứu về AI và cho ra đời nhiều giải pháp, ý tưởng phát triển sản phẩm ứng dụng AI vào thực tế cuộc sống trên nhiều lĩnh vực, như: Y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử...
Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietin Bank) Trần Công Quỳnh Lân, VietinBank đã ứng dụng AI trong đào tạo và giải quyết vướng mắc nội bộ. Từ những tình huống hay gặp phải của nhân viên, các dữ liệu được cung cấp cho chatbot (phần mềm giúp tương tác, nói chuyện tự động với khách hàng), từ đó tự động trả lời nhân viên, giải đáp các thắc mắc trong nghiệp vụ. Hay như Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank) cũng đã ứng dụng AI để nhận diện khuôn mặt khách hàng trong giao dịch.
Không đứng ngoài xu hướng, Viettel cũng vừa đưa vào vận hành siêu máy tính sử dụng AI là Hệ thống tính toán hiệu năng cao tại Trung tâm Dữ liệu Viettel. Cùng với đó, Viettel đã thành lập nền tảng mở trí tuệ nhân tạo Viettel, nhằm trợ giúp và tối ưu hóa hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. “Viettel quyết tâm đầu tư vào AI, là lĩnh vực quan trọng để thực hiện sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ lớn của đất nước”, Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Đình Chiến cho hay.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, các ứng dụng AI được một số doanh nghiệp triển khai hết sức đa dạng và phong phú, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ hành chính công, dịch vụ công trực tuyến đến các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội. Không ít siêu thị lớn, cửa hàng chuyên doanh và cơ sở cung ứng dịch vụ ăn uống, nhà sách, cửa hàng tạp hóa... đều đã sử dụng tiện ích này trong quản lý bán hàng. Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ làm đẹp còn sử dụng phần mềm này ở mức độ chuyên sâu hơn như lưu lại thói quen người tiêu dùng, để đưa ra những khuyến cáo chế độ chăm sóc khách hàng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ...
Chính quyền và doanh nghiệp đồng hành
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng đến nay, số lượng doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng AI vẫn còn ít và chưa toàn diện. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 127/QĐ-TTg (ngày 26-1-2021) ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Theo đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; hình thành 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI…
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ VVN AI Nguyễn Hoàng Tùng cho rằng, việc ứng dụng AI nên bắt đầu từ những khó khăn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng AI cần chọn ứng dụng, mô hình có sẵn, chỉ cần nhập dữ liệu của mình vào là sẽ có kết quả mong muốn. Còn Tiến sĩ Trần Việt Hùng - nhà sáng lập Got It, một trong số ít startup Việt Nam thành công tại “Thủ phủ công nghệ” Silicon Valley (Mỹ) - chia sẻ, các doanh nghiệp không cần quan tâm đến việc phải làm thật hoành tráng, mà nên lựa chọn những phân khúc nhỏ hơn, nhưng vẫn có nhiều khách hàng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại điện tử, AI đã được ứng dụng để phân tích dữ liệu người dùng, thói quen tiêu dùng, từ đó đưa ra các phương án đáp ứng. Đối với giáo dục, AI sẽ giúp hệ thống hiểu được học sinh chi tiết, từng đối tượng mà đưa ra chiến lược giảng dạy khác nhau để mang lại hiệu quả cao nhất…
Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết, để phát triển AI phải xây dựng các nền tảng dùng chung dựa trên cơ sở dữ liệu chia sẻ được với nhau. Trước tiên cần tập trung phát triển nguồn lực con người, tiếp đến là mảng ứng dụng bám sát nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp... Để làm được như vậy phải thường xuyên đào tạo đội ngũ cán bộ chuyển đổi số và nâng cao năng lực của đội ngũ này là nền tảng cho ứng dụng AI thành công.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phú Tiến cho rằng, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là chính quyền đồng hành với các doanh nghiệp ứng dụng AI, như: Tạo môi trường pháp lý; ưu đãi thuế, đất đai, phát triển khu công nghiệp tập trung... Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Lý Hoàng Tùng, các bộ, ngành chức năng, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng AI vào những phần việc bắt buộc, như số hóa dữ liệu thuế, bảo hiểm, hải quan; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ để người lao động ứng dụng hiệu quả AI trong mọi quy trình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách hỗ trợ và hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng AI mạnh mẽ hơn nữa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.