(HNM) - Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có hơn 27 triệu héc ta đất nông nghiệp. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân hiện đang quản lý, sử dụng khoảng 60,3% (bao gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản...); tổ chức trong nước đang sử dụng 38,4%; nhà đầu tư nước ngoài 0,1%; cộng đồng dân cư 1,2%. Hiện cả nước có khoảng 78 triệu thửa ruộng lớn, nhỏ khác nhau; trung bình mỗi hộ có khoảng 2,5 thửa, chỉ có khoảng 10% số hộ có thửa liền bờ… Đây chính là những hạn chế khi các địa phương triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng cao.
Thực hiện chương trình tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều địa phương đã có những bước triển khai quyết liệt và hiệu quả. Điển hình như Hà Nội, để tích tụ ruộng đất, Hà Nội triển khai chương trình dồn điền đổi thửa. Tính đến cuối năm 2017, toàn thành phố đã dồn đổi được 78.751,3ha/76.281,6ha (đạt 103,2%) vượt 2.468,4ha so với kế hoạch thành phố giao. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhờ tích tụ ruộng đất, Hà Nội đã xây dựng một số vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp so với thế mạnh của thành phố. Trong đó, việc tích tụ ruộng đất còn khó khăn bởi hầu hết đất do hộ gia đình sử dụng; cơ chế chính sách còn vướng nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khi cần quỹ đất lớn để đầu tư…
Không riêng Hà Nội, theo thống kê của Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhiều địa phương đang tích cực triển khai các mô hình tích tụ, tập trung đất đai. Cụ thể, tỉnh Thái Bình đã tích tụ, tập trung được 3.220ha với quy mô từ 10ha/mảnh; tỉnh An Giang xây dựng các cánh đồng mẫu lớn liền thửa, liền vùng với quy mô 50ha trở lên. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp so với tiềm năng và nhu cầu của các địa phương. TS. Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương) cho rằng, để tích tụ ruộng đất cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, có quy định phù hợp về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, trả lời chất vấn của đại biểu về tích tụ ruộng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về tích tụ ruộng đất, quản lý đất đai trên cơ sở phát huy hiệu quả Luật Đất đai 2013. Tới đây, Bộ tiếp tục xem xét, kiến nghị mô hình tích tụ đất đai phù hợp với liên kết sản xuất. “Tích tụ và tập trung đất đai là một trong những điều kiện để công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ”. Tích tụ ruộng đất phải gắn với quyền lợi và sinh kế lâu dài của người dân” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành đang tích cực tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần linh hoạt, tận dụng thế mạnh, lợi thế để có hình thức tích tụ ruộng đất phù hợp. Tích tụ ruộng đất phải quan tâm đến lợi ích, việc làm của nông dân; không để nông dân mất việc làm. Khi có quỹ đất, các địa phương cần dựa vào lợi thế để xây dựng các mô hình phù hợp, sản xuất cần theo nhu cầu thị trường; đặc biệt, cần tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.