Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy tăng trưởng việc làm bền vững

L.H| 09/12/2011 15:28

(HNMO) – Ngày 9/12, Hội thảo quốc gia về chiến lược việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được tổ chức tại Hà Nội. Đó là hội thảo tư vấn cấp cao do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng tổ chức.


Tại hội thảo, Bộ LĐTBXH đã trình bày quá trình xây dựng và những nội dung chính của chiến lược và đề xuất các biện pháp và chính sách nhằm triển khai chiến lược. Hội thảo cũng lắng nghe nhiều ý kiến, tham luận, và trao đổi từ các cơ quan tổ chức quốc tế, quốc hội, các Bộ, ngành liên quan, các đối tác xã hội, cũng như các cơ quan nghiên cứu.

Những ý kiến đóng góp từ các đại biểu có ý nghĩa quan trọng giúp Bộ LĐTBXH xây dựng một chiến lược việc làm toàn diện và hiệu quả cho Việt Nam, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển thị trường lao động và đẩy mạnh việc làm đầy đủ, năng suất, và bền vững ở Việt Nam trong thập niên tới.



Nhân dịp này, ILO cũng sẽ giới thiệu một số báo cáo và nghiên cứu then chốt nhằm mục đích cung cấp những gợi ý về chính sách dựa trên các bằng chứng nhằm phục vụ cho việc xây dựng chiến lược việc làm quốc gia. Các nghiên cứu đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế-xã hội khác nhau, phân tích việc làm dưới góc độ chất lượng và số lượng việc làm, đây cũng là mục tiêu trọng tâm của các chương trình, chiến lược và kế hoạch phát triển của Chính phủ Việt Nam.

Từ khi quá trình đổi mới bắt đầu vào cuối thập niên 80, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng. Tổng sản phẩn quốc nội (GDP) tăng ở mức trung bình 7,5% trong vòng 20 năm qua và nghèo thu nhập giảm đáng kể, từ 58,1% vào năm 1993 xuống còn 15% vào năm 2010. Việt Nam cũng đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) trước thời hạn.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn 2001- 2010, vẫn còn một số thách thức, khó khăn tồn tại và mới nảy sinh đặc biệt trong lĩnh vực thị trường lao động và việc làm. Những thách thức này gây trở ngại đối với việc tăng cường việc làm đầy đủ, có năng suất cao, và bền vững phù hợp với quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, tái cơ cấu các khu vực kinh tế có năng suất thấp, xây dựng chế độ tiền lương phù hợp với năng suất thông qua cơ chế ba bên và cải thiện quan hệ lao động; giải quyết sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động, thúc đẩy sự dịch chuyển lao động từ phi chính thức sang chính thức, cũng như những vấn đề khác của chính sách công có tác động tới quản lý thị trường lao động…, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế gần đây.



Đó chính là lý do tại sao, các cuộc thảo luận tại hội thảo này về dự thảo Chiến lược việc làm Việt Nam 2011-2020, nằm trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và theo định hướng của chương trình nghị sự về việc làm bền vững của ILO, lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc thực hiện Chiến lược việc làm 2011-2020 sẽ giúp Việt Nam giải quyết các tác động tiêu cực của chương trình tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính ngân hàng trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy các thành tựu của mục tiêu thiên niên kỷ về việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thập kỷ tới.

Ông Jose Manuel Salazar, Giám đốc điều hành phụ trách khối việc làm của ILO tại Geneva nhấn mạnh: “Do còn thiếu các biện pháp an sinh xã hội, hầu hết người lao động Việt Nam làm việc trong khu vực nông nghiệp với năng suất thấp, việc chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế theo hướng không còn tập trung vào khu vực nông nghiệp được thể hiện bởi sự dịch chuyển mạnh của lực lượng lao động từ ngành nông nghiệp sang các hoạt động sản xuất và dịch vụ, và di chuyển đến các khu công nghiệp ở các thành phố.” Ông cũng bổ sung: “Song hành với điều đó, việc làm phi chính thức cũng tăng trưởng, cả ở khu vực thành thị và bán thành thị. Thất nghiệp và các công việc trong điều kiện khó khăn với thu nhập thấp và ít được bảo vệ là phần nổi của tảng băng”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ: “Chiến lược việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là sự cụ thể hoá những chủ trương, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 trong lĩnh vực việc làm, đồng thời hướng tới thực hiện các mục tiêu về việc làm bền vững cũng như các tiêu chuẩn về việc làm theo khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tăng trưởng việc làm bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.