(HNM) - Sự ra đời của các công nghệ viễn thông di động thế hệ mới (3G, 4G, 5G) đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng dịch vụ di động. Từ chỗ chỉ dùng thoại, tin nhắn thì ngày nay người dùng sử dụng nhiều dữ liệu (data). Để tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng doanh thu từ data, những vấn đề cần quan tâm là xây dựng chính sách quản lý dịch vụ wifi, kiểm soát cước băng rộng cố định, phát triển nội dung số...
Hiện trong tổng doanh thu viễn thông di động toàn cầu, doanh thu từ data chiếm tỷ trọng bình quân 43%, ở các nước phát triển, con số này là 80%. Nếu như trước đây, người dùng chủ yếu gọi điện thoại và gửi tin nhắn thì nay đã thay bằng sử dụng thêm các gói cước data với đầy đủ tính năng gọi điện, gửi tin nhắn hình ảnh…
Tại Việt Nam, căn cứ theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nếu như năm 2019, trong cơ cấu doanh thu viễn thông di động, doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn chiếm 58,15%, doanh thu từ data chỉ đạt 23,4%; thì hết năm 2020 hai con số này là 52,56% và 35,17%. Số liệu cụ thể hơn từ các nhà mạng cũng cho thấy, năm 2020 tỷ trọng data của Viettel chiếm 35-40%, VNPT/VinaPhone 37%, MobiFone 38% trong tổng doanh thu viễn thông di động, đều tăng so với năm 2019. Cả 3 nhà mạng đều đạt tăng trưởng doanh thu từ data 15-20% so với năm 2019.
Tuy nhiên có một vấn đề đáng chú ý, đặc biệt là năm 2020, đó là doanh thu dịch vụ viễn thông không những tiếp tục suy giảm, mà tổng doanh thu của 2/3 nhà mạng lớn không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2019. Điều này cho thấy, dù vẫn là "át chủ bài" những sự suy giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống vẫn diễn ra, trong khi doanh thu từ dịch vụ data chưa thể bù đắp nổi.
Phân tích về vấn đề này, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, do thị trường viễn thông đã bão hòa, chỉ số ARPU (doanh thu trên thuê bao) ngày càng giảm, trong khi đó các nhà mạng áp dụng chính sách cước data giá rẻ để cạnh tranh nên dù lưu lượng tăng mạnh, nhưng doanh thu không cao. Thêm nữa là chính sách phát triển wifi công cộng miễn phí đã ảnh hưởng đến tiêu dùng data di động. Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển dịch vụ Tổng công ty VinaPhone (thuộc VNPT) cho biết, do các nhà mạng cạnh tranh bằng cước data giá rẻ nên dù lưu lượng data VinaPhone tăng tới 40% nhưng doanh thu chỉ tăng 20%.
Để tăng trưởng doanh thu từ data, đại diện các doanh nghiệp cho rằng nhà mạng cần nghiên cứu đưa ra các gói cước dữ liệu đa dạng; thêm dịch vụ nội dung để người dùng lựa chọn. Ngoài ra, theo ông Bùi Sơn Nam, cơ quan quản lý nhà nước nên xây dựng chính sách quản lý dịch vụ wifi, kiểm soát cước băng rộng cố định… và đó sẽ là giải pháp góp phần tăng nhu cầu dùng băng rộng di động, giúp nhà mạng có nguồn lực tái đầu tư cho phát triển. Còn đại diện VNPT cho rằng đã đến lúc Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có chính sách để tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ số ứng dụng (digital content); trong đó có các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội dung số phát triển.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, Cục sẽ xây dựng chính sách thúc đẩy việc phát triển dịch vụ nội dung, tăng cường tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào việc cung cấp dịch vụ nội dung số trên nền tảng hạ tầng viễn thông. Cụ thể, chính sách phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử, tài chính điện tử, tài chính toàn diện nhằm thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, Cục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách để huy động, chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số (gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây); bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của xã hội số, kinh tế số. Đồng thời, thúc đẩy chương trình chuyển đổi máy 2G/3G lên máy smartphone (hỗ trợ 4G/5G), thông qua một số giải pháp như bắt buộc tích hợp 4G trên máy điện thoại di động; thúc đẩy sản xuất máy 4G giá rẻ, bảo đảm đến năm 2025 số thuê bao băng rộng di động đạt tỷ lệ 100/100 dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.