(HNM) - Là thị trường có sức tiêu thụ lớn, Hà Nội xác định việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa giải quyết "đầu ra" cho sản phẩm, vừa bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô, thúc đẩy giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để hoạt động xúc tiến thương mại nông sản đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tổ chức nhiều kênh, từ bán hàng trực tiếp tại các chợ truyền thống, siêu thị, đến lập các trang thông tin điện tử, tổ chức các hội chợ, triển lãm quảng bá, giới thiệu về nông sản... Những hoạt động này đã giúp thị trường nông sản của Hà Nội dồi dào, đa dạng, người dân được tiếp cận với nhiều sản phẩm tốt; các nhà sản xuất, doanh nghiệp có thêm cơ hội liên kết, tiêu thụ sản phẩm...
Chất lượng của nông sản quyết định giá trị sản phẩm, nhưng thành công trên thương trường có một phần đóng góp rất lớn của việc xúc tiến thương mại hiệu quả, cung cấp sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của xã hội.
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cung cấp nông sản nhiều, nhanh, tốt, có giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, cùng với việc tiếp tục phát huy hiệu quả của các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần đẩy mạnh hơn nữa những kênh xúc tiến mới; mở thêm sàn giao dịch điện tử, những trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản theo chuyên đề. Bên cạnh đó, cần xác định những sản phẩm, đặc sản vùng miền mà các tỉnh, thành phố khác hay bản thân Hà Nội đang có thế mạnh, để xúc tiến thương mại có trọng tâm. Những sản phẩm này cần được bán ở nhiều kênh, trên diện rộng nhằm tăng tính quảng bá, tạo dựng được thương hiệu, uy tín...
Về phía các cơ quan chức năng, công tác tăng cường nắm bắt thông tin về nhu cầu người tiêu dùng, đánh giá, phân tích thị trường tiêu thụ là hết sức cần thiết. Qua đó, định hướng cho nhà sản xuất, cũng như hỗ trợ lựa chọn địa điểm, thời gian, quy mô, hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với từng loại sản phẩm.
Song song đó, để bảo vệ lợi ích, uy tín cho các đơn vị chuyên tổ chức sự kiện kết nối, quảng bá, các nhà phân phối nông sản, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh nông sản không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; cạnh tranh không lành mạnh; vi phạm quy định về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm... Đồng thời cần đẩy mạnh giám sát, chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Xúc tiến thương mại có nhiều phương thức khác nhau, song dù dưới hình thức trực tuyến hay trực tiếp cũng luôn đòi hỏi tính chuyên nghiệp, cách làm mới để hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng. Do đó, bên cạnh vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, sự năng động của các địa phương cũng như các doanh nghiệp phân phối, cung ứng nông sản cũng rất quan trọng, đòi hỏi phải có chiến lược quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, chọn lựa kênh phân phối phù hợp nhất.
Những năm gần đây, hoạt động hội chợ, triển lãm... được tổ chức ngày càng nhiều, song vẫn còn khoảng trống sau sự kiện vì có nhiều mặt hàng chưa thiết lập ngay được điểm bán. Vì thế, các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để không chỉ dừng lại ở việc “bắt tay nhau” tại các sự kiện kết nối, quảng bá... Về phía người nông dân, các nhà sản xuất, phân phối, cần đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn nông sản, tránh làm ăn chộp giật, giữ gìn uy tín với người tiêu dùng.
Khi thực hiện hiệu quả, xúc tiến thương mại nông sản sẽ là giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của ngành Nông nghiệp Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.