(HNM) - Thời gian qua, việc sử dụng phân bón vô cơ (còn gọi là phân hóa học) để lại nhiều hệ lụy với môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản vì chỉ khoảng 50% lượng phân bón được cây trồng hấp thụ, 50% còn lại sẽ bị rửa trôi, thẩm thấu vào nguồn nước hoặc bay hơi, gây ô nhiễm môi trường… Ngược lại, phân bón hữu cơ không chỉ làm giàu đất, tốt cho cây trồng mà còn tạo ra nông sản hữu cơ, an toàn... Lợi ích đã rõ nhưng thực tế, so với phân bón vô cơ, lượng phân bón hữu cơ được người dân sử dụng còn ở mức khiêm tốn do nhiều yếu tố...
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương lý giải: Phân bón hữu cơ cần bón lượng lớn trên đơn vị diện tích nên bất tiện về vận chuyển và sử dụng so với phân vô cơ; tác động của phân bón hữu cơ không nhanh như phân vô cơ và chi phí đầu vào cũng cao hơn... Do thấy phân vô cơ tác dụng tức thời đến sinh trưởng, năng suất cây trồng nên nhiều nông dân hình thành thói quen sử dụng và phụ thuộc vào loại phân bón này...
Để khắc phục, Chủ tịch Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy nêu ý kiến: Nhà nước cần có chính sách nhất quán khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong đơn vị phân bón, giảm khối lượng, tác động nhanh đến sinh trưởng của cây trồng, qua đó giảm giá thành… Nếu đáp ứng các điều kiện đó sẽ thuyết phục được nông dân sử dụng.
Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Dương Thị Hằng cho rằng, việc phối hợp với các cơ quan, đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ... Qua đó, nâng cao nhận thức, tư duy cho nông dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ kết hợp hướng dẫn nông dân cách sử dụng phân bón hữu cơ.
Về phía doanh nghiệp, theo kinh nghiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam (doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay), để phát triển và mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ, doanh nghiệp duy trì hai mô hình song song: Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ thông qua hệ thống nhà máy khắp cả nước; sau đó, thu mua nông sản cho nông dân, tạo chuỗi hữu cơ khép kín. Thứ hai, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, chuyển giao các chế phẩm hữu cơ, vi sinh để nông dân dễ dàng xử lý phế phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt... thành phân hữu cơ.
Hiện, công tác quản lý nhà nước về phân bón ngày càng được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Trong đó, chính sách nhà nước về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4, Luật Trồng trọt năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1-2-2020). Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng phân hữu cơ cũng đang được hoàn thiện. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng phân bón hữu cơ tại nước ta nhằm đạt tối đa lợi ích trong sản xuất nông nghiệp…
Tại hội nghị về đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ mới đây do Bộ NN&PTNT tổ chức, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn với lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là phế - phụ phẩm trong nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, ngay từ bây giờ, cần đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ để nâng cao chất lượng nông sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.