(HNM) - Quan hệ giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latin nói chung, với Cuba, Brazil nói riêng là mối quan hệ có bề dày truyền thống. Nhân dân các nước Mỹ Latin luôn dành tình cảm tốt đẹp và sâu sắc cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đổi mới phát triển đất nước.
Chuyến thăm chính thức hai nước Cuba và Brazil của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 8 đến 15-4) diễn ra trong bối cảnh khu vực Mỹ Latin đang có những bước phát triển mới. Trong đó, Cuba và Brazil đang là hai trong số những điểm sáng của khu vực về phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Kế thừa quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam và hai quốc gia Mỹ Latin này đã xác lập được các khuôn khổ phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, nhằm tăng hiệu quả quan hệ song phương, phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, quan hệ Việt Nam - Cuba được xây dựng theo quan hệ hữu nghị, đoàn kết thủy chung, tin cậy lẫn nhau và hợp tác toàn diện. Còn trong quan hệ với Brazil, Việt Nam coi Brazil là đối tác toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi.
Cuba đã có nhiều chuyển biến kinh tế - xã hội tích cực trong những năm qua. |
Cuba có 3/4 diện tích lãnh thổ là đồng bằng, rất thích hợp để canh tác phát triển các loại cây công nghiệp như mía, cà phê, thuốc lá và các cây ăn quả khác; đồng thời là điều kiện lý tưởng cho việc tập trung chăn nuôi đại gia súc. Ngành du lịch tại Cuba rất phát triển nhờ nhiều vùng sinh thái và bờ biển đẹp. Ngoài ra, Cuba còn có nhiều loại khoáng sản như niken (trữ lượng lớn nhất thế giới), đồng, sắt, mangan, dầu lửa... Tháng 4-2011, Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba đã thông qua đường lối "cập nhật hóa" mô hình phát triển kinh tế đất nước, đẩy mạnh các biện pháp cải cách kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế tự doanh, cắt giảm lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nhà nước, cắt giảm bao cấp... Những chuyển biến kinh tế - xã hội tích cực ở Cuba năm qua đã chứng tỏ đây là bước đi đúng đắn và hợp lý. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 2-12-1960), quan hệ Việt Nam - Cuba luôn được duy trì, phát triển, thể hiện tình cảm thủy chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước với sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương, duy trì cơ chế hoạt động thường niên của Ủy ban liên Chính phủ hai nước, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí cao về việc tăng cường hơn nữa các mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác anh em, nâng cao hiệu quả của các mối quan hệ này, phù hợp với thế mạnh và tiềm năng của mỗi nước.
Trong khi đó, Việt Nam và Brazil đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8-5-1989. 22 năm qua, quan hệ hai nước được thúc đẩy và phát triển không ngừng. Việt Nam - Brazil đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, cấp bộ, ngành và doanh nghiệp; đồng thời luôn tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau tại các tổ chức đa phương. Trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Brazil những năm gần đây từ trên 100 triệu USD năm 2005 lên hơn 900 triệu USD năm 2010 và năm 2011 đạt trên 1,4 tỷ USD. Tuy là hai quốc gia khác biệt về không gian địa lý - ở Đông và Tây bán cầu - nhưng người dân hai nước có nhiều điểm tương đồng như sự chân tình, lòng mến khách, thắm tình hữu nghị và cởi mở. Nhân dân Brazil khâm phục những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Với nhân dân Việt Nam, Brazil không chỉ là đất nước của những vũ điệu trên sân cỏ mà còn là sự trỗi dậy đầy khâm phục của một nền kinh tế mới nổi thuộc Nhóm BRICS (gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với vai trò ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Brazil đã trở thành nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới và khẳng định được vai trò và uy tín trong các thể chế hợp tác quốc tế.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Cuba, Việt Nam - Brazil không ngừng phát triển tốt đẹp, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cộng hòa Cuba và Cộng hòa Liên bang Brazil sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, tiến tới xây dựng một tương lai hợp tác bền vững, hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.