Ngay khi tới thủ đô New Delhi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ như Tata Group, Jet Airways, Essar, IL&FS…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: TTXVN |
Trong các cuộc tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận những đóng góp lớn của các công ty, doanh nghiệp Ấn Độ đối với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ thời gian qua. Thủ tướng hoan nghênh và khẳng định trên tinh thần Đối tác chiến lược, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Ấn Độ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực năng lượng, dệt may, hóa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng, dược phẩm, chế biến nông sản, hàng không, du lịch... Thủ tướng đồng thời khẳng định ủng hộ các tập đoàn và công ty nói trên mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà họ có thế mạnh.
Lãnh đạo các tập đoàn trên đã đánh giá cao sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với các hoạt động đầu tư, thương mại của doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực trong thời gian tới.
* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Bodh Gaya, bang Bihar của Ấn Độ. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Jitan Ram Manjihi, Thủ hiến bang Bihar. Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ - Việt Nam nói chung và giữa bang Bihar (một bang có dân số 110 triệu người và tốc độ tăng trưởng bình quân những năm gần đây đạt 7%) với Việt Nam, Thủ hiến Jitan Ram Manjihi đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chế biến lương thực, giáo dục và đặc biệt là du lịch. Đề nghị hai bên nhanh chóng mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và bang Bihar, sớm tổ chức một diễn đàn doanh nghiệp về du lịch tại Bodh Gaya vào đầu năm 2015, đồng thời tổ chức một đoàn doanh nghiệp hàng đầu của bang Bihar sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác.
* Tối 27-10, phát biểu tại Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng thông báo Tập đoàn TATA và Bộ Công thương Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD. Đây sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam hiện nay và là tín hiệu cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp Ấn Độ đến thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Để nâng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước lên một tầm cao mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần phát huy tối đa các cơ chế song phương và đa phương sẵn có để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư. Thủ tướng cho biết: Trong thời gian 1-2 năm tới, môi trường pháp luật, kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi căn bản, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn. Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20). Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ đến Việt Nam kinh doanh, đầu tư và cùng chia sẻ những lợi thế của thị trường Việt Nam và cơ hội tiếp cận thị trường các đối tác của Việt Nam.
Việt Nam mong muốn các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ như TATA, IL&FS, ESSAR, GMR tham gia phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác du lịch song phương, đặc biệt là hình thức du lịch tâm linh và du lịch văn hóa… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp Ấn Độ tới kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Với trên 300 doanh nghiệp hai nước tham dự Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải đáp các câu hỏi của các doanh nghiệp Ấn Độ liên quan về những chính sách đầu tư của Việt Nam.
* Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp và gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.