Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hiền Phương| 16/09/2015 05:55

(HNM) - Bốn năm thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Thành ủy về



Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt dự hội nghị.

Với việc thực hiện Nghị quyết 06, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Quốc Ân


Sự quan tâm tích cực

Báo cáo tổng kết do Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh trình bày tại hội nghị cho biết, toàn thành phố hiện có 68.000 người DTTS, với 37 thành phần dân tộc cư trú trên địa bàn 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, đồng bào DTTS sinh sống tập trung thành làng, bản tại 14 xã thuộc 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Sau 4 năm thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Thành ủy đã thực sự đi vào cuộc sống. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS miền núi có sự thay đổi rõ rệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm khu vực này tăng 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tại các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, đã hình thành một số mô hình sản xuất tập trung hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở các xã Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất); vùng sản xuất chè búp khô ở Ba Trại (Ba Vì)...

Nhờ những chính sách ưu tiên đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đã giảm đáng kể. Năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo ở các xã DTTS miền núi chiếm 18,55% thì ước đến hết năm 2015 giảm còn 5%. Cùng với đó, thành phố đã ưu tiên dành nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã vùng DTTS. Từ năm 2011 - 2015, Hà Nội đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 công trình; kêu gọi các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với số tiền 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp điện với tổng giá trị 101 tỷ đồng cho vùng đồng bào DTTS…

Phát biểu tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã khẳng định Nghị quyết 06 của Thành ủy đi vào cuộc sống đã tạo chuyển biến rõ nét tại cơ sở. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết: "Đồng bào DTTS huyện Ba Vì chiếm gần 50% số đồng bào DTTS của Thủ đô Hà Nội, vì vậy Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội như luồng gió mới cho bà con DTTS nơi đây. Kinh tế - xã hội 7 xã miền núi đã được tập trung phát triển; hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng nông thôn mới được tập trung đầu tư. Cùng với đó là công tác bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội. Giai đoạn 2011-2015, 7 xã miền núi của huyện đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực với tổng số 56 dự án…".

Còn tại xã Tiến Xuân (Thạch Thất), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Bùi Văn Tình cho biết: Nghị quyết 06 của Thành ủy là sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với đồng bào các DTTS trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Từ khi nhập về Hà Nội, xã Tiến Xuân đã tiếp nhận trên 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, xã có 4 trường học, trong đó trường THCS được công nhận chuẩn quốc gia, các trường còn lại đang trong giai đoạn xây dựng trường chuẩn quốc gia; xã được công nhận chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2. Năm 2015, trên 50% lao động của xã được qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,6%; xã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới…".

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Bá Hoạt


Đồng hành cùng đồng bào

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đánh giá cao sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố, các đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng đồng bào DTTS miền núi. Đặc biệt, từ những đổi thay mạnh mẽ trong cuộc sống, trong bộ mặt vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô trong những năm qua đã khẳng định tính đúng đắn trong các Nghị quyết của Đảng nói chung và của Thành ủy nói riêng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực, phân công hợp lý để giúp đỡ các xã nghèo phát triển bền vững, mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm xuống dưới 1%, để Hà Nội là điểm sáng, địa phương đi đầu trong công tác giảm nghèo.

Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng thực tế vùng đồng bào DTTS miền núi của thành phố vẫn còn khó khăn, hạn chế, kinh tế phát triển còn chậm; hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và các thiết chế văn hóa. Vẫn còn khoảng cách khá xa về mức sống giữa vùng đồng bào DTTS và vùng đồng bằng, đô thị. Trình độ dân trí và chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao. Việc tiếp cận những dịch vụ giáo dục, y tế của một bộ phận nhân dân còn hạn chế… Đây là những vấn đề đang đặt ra đòi hỏi những giải pháp bền vững trong thực hiện chính sách dân tộc của thành phố.

Để nghị quyết đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng mong muốn, các ngành, các địa phương phải phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng xã, của cả vùng và lực lượng lao động của các DTTS miền núi để có định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS. Trong đó, cần gắn việc thực hiện Nghị quyết 06 với xây dựng nông thôn mới để tránh đầu tư dàn trải, phát huy hiệu quả vốn đầu tư; phấn đấu duy trì tốt các chỉ tiêu đã đạt, hoàn thành một số chỉ tiêu còn lại, giảm hộ nghèo, nhất là xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương; xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tăng cường giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm thắng lợi các mục tiêu của nghị quyết đã đề ra. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh yêu cầu phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh, cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đồng thời phải có chính sách ưu tiên trong đào tạo, quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc và thu hút sinh viên đã tốt nghiệp đến công tác tại vùng dân tộc, vùng khó khăn; xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào DTTS để nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị từ cơ sở...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.