Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển bền vững

Quỳnh Phạm| 10/06/2015 05:48

(HNM) - Chiều 9-6, Báo Hànộimới và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề

Các khách mời gồm TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN); TS Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội; TS Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoa, cây cảnh; ông Bùi Đại Phong, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội đã tham gia trả lời các câu hỏi xung quanh Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi giai đoạn 2010 - 2015" (chương trình nông thôn, miền núi), về những mô hình điển hình ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội và định hướng phát triển của chương trình giai đoạn tới.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Anh Tuấn


Hiệu quả thiết thực

Tại cuộc giao lưu, TS Nguyễn Văn Liễu cho biết, 15 năm qua, chương trình đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống. Hầu hết các dự án đều đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt cho đơn vị thực hiện dự án.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết: Nhìn tổng thể, các dự án thuộc chương trình Nông thôn, miền núi đã thực sự là điểm sáng về ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Cụ thể, về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào công thức luân canh để tăng hiệu quả kinh tế tổng hợp trên một đơn vị diện tích (mô hình phát triển trồng cây mây nếp tại Ba Vì, hoa cây cảnh ở Thụy Hương (Chương Mỹ), mô hình ứng dụng KH&CN trồng lan Hồ điệp ở Đan Phượng, mô hình trồng nấm ở Mỹ Đức…). Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, phát triển ứng dụng, cũng có những mô hình, sản phẩm được thị trường ghi nhận. Chương trình còn xây dựng được các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm an toàn và chất lượng như mô hình sản xuất dưa chuột và xà lách không dùng đất tại Hoài Đức…

Với quan điểm của một cơ quan chuyển giao công nghệ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh Đặng Văn Đông đánh giá: Những năm trước đây, công tác nghiên cứu khoa học không có sự gắn kết giữa các nhà khoa học với người dân và thực tiễn sản xuất, do vậy, rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật không đến được tay người dân. Nhờ có chương trình Nông thôn, miền núi mà các cơ quan khoa học đã làm được điều đó, vừa giúp người dân phát triển kinh tế, vừa để kiểm chứng và hoàn thiện thêm quy trình đã tạo ra. Đây cũng là cơ hội cho các nhà khoa học có điều kiện tiếp xúc, cọ xát với thực tiễn, cống hiến thêm công sức và nhận được một số thù lao nhất định, để cải thiện cuộc sống, có điều kiện làm khoa học tốt hơn.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất cây trồng. Ảnh: Hải Anh


Khó về chi phí và nhân lực

Trả lời bạn đọc về những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình, TS Nguyễn Văn Liễu cho biết: Nguồn lao động thất nghiệp ở địa phương rất lớn, tuy nhiên lại không đáp ứng được yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là yêu cầu nghiên cứu triển khai. Một số dự án thực hiện phối hợp giữa cơ quan chuyển giao và đơn vị chủ trì chưa tốt. Nhiều đơn vị chuyển giao công nghệ chưa thực sự gắn kết với dự án, chưa thực sự hỗ trợ đơn vị chủ trì hoàn thành kết quả. Ngoài ra, thời gian bắt đầu phê duyệt đến khi dự án được thực hiện thường mất một năm rưỡi nên đa số dự án bị ảnh hưởng do tỷ lệ trượt giá cao. Có dự án công nghệ đang được chuyển giao nhưng đã trở thành lạc hậu bởi có sự xuất hiện công nghệ mới, làm ảnh hưởng đến kết quả dự án.

Qua 15 năm, chương trình Nông thôn, miền núi đã triển khai thực hiện 845 dự án tại 62 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí là 2.745 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH&CN trung ương chiếm 39,4% và huy động từ dân, doanh nghiệp, ngân sách địa phương chiếm 60,6%. Chương trình cũng đã sử dụng khoảng 128.643 lao động tại chỗ, giúp các địa phương góp phần giải quyết được tình trạng lao động dôi dư và tăng thu nhập cho nông dân.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH nhà nước MTV Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho rằng: Khó khăn nhất là chi phí để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là rất lớn. Tiếp đến là thời gian đưa những thành tựu và tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất rất dài. Đối với các nông hộ, thói quen sản xuất và tập quán chăn nuôi cũ ăn sâu trong cách làm ăn của bà con nên việc đưa cái mới, tiến bộ kỹ thuật trong thời gian đầu rất khó khăn. Việc đưa KH&CN vào cũng phải "cầm tay chỉ việc", có quy trình thực hiện và giám sát nên phải thực hiện bài bản và mất nhiều thời gian.

Đề nghị nâng kinh phí hỗ trợ đạt 300 tỷ đồng/năm

Trao đổi tại cuộc giao lưu, các chuyên gia cũng băn khoăn: Dự án thuộc chương trình có thời gian thực hiện trung bình là 2 năm với đối tượng chủ yếu là cây trồng, vật nuôi nên việc đánh giá hiệu quả gặp nhiều khó khăn. Với đặc thù riêng, dự án cần khoảng thời gian 5-7 năm triển khai, áp dụng mô hình thì việc đánh giá sẽ có kết quả chính xác hơn. Về tài chính, hằng năm nhu cầu đề xuất thực hiện của các địa phương là rất lớn nhưng do kinh phí phê duyệt còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu (giai đoạn 2011-2015, kinh phí chỉ đủ cho 322/489 dự án, đạt 61% số dự án đề xuất). Bên cạnh đó, mức kinh phí hỗ trợ còn thấp so với đề xuất; tiến độ, thời gian cấp kinh phí còn chậm; chưa có chính sách hỗ trợ để tiếp tục mở rộng các mô hình đạt hiệu quả sau khi kết thúc dự án.

Trước những khó khăn nói trên, câu hỏi đặt ra là trong giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ có những điều chỉnh gì? TS Nguyễn Văn Liễu nêu quan điểm: Chúng tôi đề nghị nâng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lên khoảng 40-50% so với giai đoạn vừa qua, tức tối thiểu đạt 300 tỷ đồng/năm. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực hiện được những dự án ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn cũng như những dự án triển khai ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, để phù hợp với tình hình phát triển mới, Bộ KH&CN đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép và tổ chức thực hiện chương trình với các nội dung đổi mới. Theo đó, thời gian thực hiện giai đoạn tới ít nhất là 10 năm. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ khoa học trẻ, tình nguyện về "nằm vùng", "cắm bản" để hướng dẫn, chuyển giao KH&CN tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bộ cũng yêu cầu các địa phương hỗ trợ kinh phí mạnh hơn để nhân rộng kết quả ứng dụng các tiến bộ KH&CN của các dự án, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào các dự án ứng dụng, chuyển giao KH&CN theo chuỗi giá trị.

TS Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật: Tôi thấy một số nước trích 1% từ tổng giá trị xuất khẩu nông sản để đầu tư cho công tác nghiên cứu là bài học kinh nghiệm hay mà Việt Nam cần nghiên cứu để vận dụng. Theo đó, với giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm sản của Việt Nam năm 2014 là gần 31 tỷ USD, thì chúng ta sẽ có trên 300 triệu USD phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Số kinh phí này là rất lớn, gấp trên 3 lần nguồn kinh phí từ ngân sách, có nghĩa là sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc huy động nguồn kinh phí đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học nông nghiệp, trước hết phải sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách hằng năm khoảng 80-90 triệu USD. Bằng việc xác định đúng nhiệm vụ cần nghiên cứu, thực hiện cơ chế đặt hàng, cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN để bảo đảm kết quả thực hiện nhiệm vụ có địa chỉ ứng dụng và cơ quan đề xuất đặt hàng chịu trách nhiệm nhân rộng kết quả nghiên cứu KH&CN theo đề xuất đặt hàng của mình. Ngoài ra, cần có những cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, của xã hội để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Ông Lê Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội: Về cơ chế quản lý, chương trình Nông thôn, miền núi thực chất là chương trình chuyển giao kỹ thuật thông qua các mô hình phù hợp trình độ người dân ở vùng nông thôn, miền núi nhằm mục đích để cho người nông dân tự thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Do vậy, cần có sự vào cuộc thực sự của các nhà khoa học, chính quyền các cấp và doanh nghiệp; sự tăng cường phối hợp của cơ quan chuyển giao công nghệ bằng cách cử cán bộ chuyên trách dự án thay cho việc chỉ cử một cán bộ xuống “cắm” ở địa bàn để tiết kiệm kinh phí. Ngoài ra, cần lồng ghép vào các chương trình, dự án, các kế hoạch phát triển kinh tế có trên địa bàn thực hiện dự án để tranh thủ sự hỗ trợ về chính sách, kinh phí; cần tận dụng các cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý của các dự án sẵn có để phục vụ tốt hơn cho chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật xuống tận người dân. Đặc biệt, cũng cần có sự thông tin tuyên truyền tốt để nông dân hiểu được lợi ích của ứng dụng KH&CN trong sản xuất. Bên cạnh đó, có thể có những chính sách khuyến khích, động viên bằng tài chính (nếu có) cho nông dân tham gia thực hiện dự án, chế độ phụ cấp cho cán bộ xã và các kỹ thuật viên trực tiếp tham gia triển khai dự án.

Ông Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh: Trước tiên, phải có công nghệ do chính cơ quan chuyển giao tạo ra, vì chỉ có tác giả hoặc một nhóm tác giả tạo ra công nghệ mới hiểu sâu về công nghệ. Sau đó, công nghệ chuyển giao phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Tiếp theo, cơ quan chuyển giao phải có kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện nếu không thì dự án triển khai rất khó khăn. Ngoài ra, phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, sẵn sàng đi công tác xa, ăn ở tại địa bàn triển khai dự án (đặc biệt là các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số); thực hiện “cầm tay, chỉ việc” cho người dân một cách nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ. Cuối cùng, cơ quan chuyển giao phải có sự liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của dự án.

Ông Bùi Đại Phong, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội: Theo tôi, Hà Nội nên có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ đào tạo lao động. Thành phố cũng nên tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh tốt cũng như rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông hộ, tránh trường hợp “được mùa rớt giá”, nhằm hỗ trợ bà con bán sản phẩm với hiệu quả kinh tế tốt nhất. Các nông hộ sản xuất cũng cần liên kết lại, thành lập các hiệp hội để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, tránh bị ép giá,…

Khánh Vũlược ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.