Chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tuần tới nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là cảng biển, dịch vụ kho vận, tăng trưởng xanh, công nghệ cao; viện trợ phát triển...
Quan hệ hợp tác Việt Nam-Bỉ thời gian qua tiếp tục có những bước phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực; hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao; phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc và trong khuôn khổ ASEM, ASEAN-EU.
Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam-Bỉ.
Giai đoạn 2000-2010, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng nhanh, ổn định, từ 395,4 triệu USD (năm 2000) lên đến 1,2 tỷ USD (năm 2010). Việt Nam liên tục xuất siêu khá lớn trong giai đoạn này. Kim ngạch hai chiều năm 2013 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại tăng trưởng khả quan, đạt 1,3 tỷ USD.
Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam, do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu).
Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha). Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ chủ yếu là giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, túi xách. Ngoài ra, gỗ, cao su, sản phẩm nhựa, đá và kim loại quý là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng còn lớn. Việt Nam nhập từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, hóa chất, tân dược.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 8/2014, Bỉ có 51 dự án với tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, đạt 155 triệu USD, đứng thứ 35/96 nước và vùng lãnh thổ có FDI vào Việt Nam. FDI của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (20 dự án với 91,3 triệu USD, chiếm 68,7% tổng vốn đầu tư của Bỉ).
Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Bỉ bắt đầu từ năm 1977 nhưng bị gián đoạn từ năm 1979 đến 1989. Trong năm 1992, quan hệ hợp tác phát triển chính thức được nối lại. Hiện Việt Nam là nước châu Á duy nhất được nhận hỗ trợ phát triển của Chính phủ Bỉ.
Quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước được thực hiện qua nhiều nguồn. Ngoài quan hệ hợp tác chính thức với Chính phủ Liên bang, Việt Nam cũng đang nhận được viện trợ không hoàn lại của các cộng đồng, các vùng của Bỉ (Vùng Wallonie, Vùng Thủ đô Bruxelles và Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ, Vùng Flamand và Cộng đồng nói tiếng Hà Lan) và các tổ chức Bỉ như Văn phòng Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ Kỹ thuật vùng Flamand (VVOB), Hội đồng Liên trường đại học vùng Flamand (VLIR), Tổ chức Khuyến học và Đào tạo tại nước ngoài (APEFE), các tổ chức phi chính phủ (NGOs)...
Về khoa học-kỹ thuật, tháng 9/2002, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Bỉ ký Hiệp định hợp tác Khoa học-công nghệ. Sau 3 khóa họp của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Bỉ về hợp tác Khoa học Công nghệ (kỳ họp thứ 3 đã diễn ra 2/3/2009, kỳ họp lần thứ 4 được tổ chức vào tháng 6/2012 tại Brussels), hiện có 18 dự án nghiên cứu (trị giá 8 triệu USD) đã và đang được triển khai dưới các hình thức hợp tác ưu tiên như hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, trao đổi chuyên gia, triển khai các chương trình nghiên cứu chung.
Từ năm 2003, Chính phủ Bỉ đã khôi phục lại chương trình cấp học bổng đào tạo sau đại học cho Việt Nam. Hiện nay, trung bình mỗi năm, Bỉ cấp 40 suất học bổng đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo của Bỉ. Số lượng sinh viên nhận học bổng của Bỉ ngày càng tăng, nhất là trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cầu cảng, môi trường, du lịch…
Ngoài ra, hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực như xử lý hậu quả bom mìn sau chiến tranh, quân y, khoa học kỹ thuật quân sự, trao đổi và đào tạo học viên quân sự.
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tuần tới nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Bỉ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.