(HNM) - Ngay sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du Châu Á với điểm đến là Hàn Quốc.
Sự hiện diện của nhà lãnh đạo xứ Bạch Dương lần đầu tiên tại Hàn Quốc kể từ khi nữ chủ nhân của Nhà Xanh Park Geun-hye lên nắm quyền vào tháng 2-2013 đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác không chỉ trong quan hệ song phương mà còn góp phần thúc đẩy kết nối hai châu lục Á-Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Park Geun-hye nhất trí đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. |
Trong số hơn chục thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết trong chuyến thăm, Biên bản ghi nhớ về việc 3 công ty Hàn Quốc (gồm Nhà sản xuất thép POSCO, Hãng tàu biển Hyundai Merchant Marine và Tập đoàn đường sắt nhà nước Hàn Quốc Korea Railroad) tham gia Dự án đường sắt Rajin-Khasan - từ cảng Rajin ở Đông bắc Triều Tiên tới thị trấn Khasan ở biên giới Đông nam nước Nga và phát triển cảng Rajin là thỏa thuận được dư luận đặc biệt quan tâm. Với chiều dài 54km, tuyến đường sắt Rajin-Khasan mới hoạt động trở lại từ tháng 9-2013 sau khi tu sửa đã nối cảng Rajin tới tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga (TSR). Với sự tham gia của Hàn Quốc, tuyến đường sắt mới sẽ kéo dài từ Triều Tiên tới cảng Busan ở miền nam Hàn Quốc, mở đường cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc vận chuyển hàng hóa tới Châu Âu. Quan trọng hơn, việc tham gia dự án sẽ tạo điều kiện cho các công ty Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Triều Tiên - hoạ
Chuyến công du Hàn Quốc của Tổng thống V.Putin diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo xứ Kim chi Park Geun-hye mới đây đưa ra đề xuất xây dựng một "con đường tơ lụa" mới nối liền các tuyến đường bộ và đường sắt từ thành phố cảng Busan của Hàn Quốc xuyên Triều Tiên - Nga - Trung Quốc - Trung Á tới các nước Châu Âu nhằm tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa và năng lượng giữa hai khu vực Á - Âu. Ý tưởng của Tổng thống Park Geun-hye đã nhận được sự hưởng ứng từ phía Nga trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 9-2012 tại St.Petersburg giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Hàn Quốc. Vì thế, trong cuộc hội đàm lần này tại Seoul, lãnh đạo hai nước tiếp tục đạt được sự nhất trí cao về ý tưởng gia tăng gắn kết Á - Âu thông qua hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng và trao đổi thương mại. Trong đó, việc Hàn Quốc tham gia dự án đường sắt với Nga là bước tiến đầy triển vọng nhằm biến ý tưởng về một "con đường tơ lụa" mới sớm trở thành hiện thực.
Là một bên không thể thiếu trong tiến trình đàm phán sáu bên phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sự hiện diện của Tổng thống V.Putin tại Seoul được người dân Hàn Quốc kỳ vọng rất nhiều, đặc biệt trong vai trò trung gian hòa giải hai miền Triều Tiên. Một số phương tiện truyền thông đã dùng hình ảnh so sánh khá thú vị khi cho biết Tổng thống V.Putin và Tổng thống Park Geun-hye đều sinh năm 1952, cùng kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2018, cùng theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng nhằm hiện đại hóa đất nước… để nói lên triển vọng hợp tác Nga - Hàn Quốc.
Không có những căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ hay vấn đề lịch sử, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Hàn Quốc, Nga sẽ khẳng định thêm vị thế cường quốc tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, tăng cường hợp tác với Nga, Hàn Quốc không chỉ có lợi về kinh tế mà còn củng cố vị thế địa - chính trị của xứ Kim chi ở Đông Bắc Á; và, trong dài hạn, qua vai trò trung gian hòa giải của Nga, Seoul có thể đẩy nhanh tiến trình đàm phán với Bình Nhưỡng về nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Quan hệ hợp tác Nga - Hàn Quốc đang được tiếp thêm sinh lực mới. Nhận định này có cơ sở, bởi hai nước vừa ký kết một loạt thỏa thuận, trong đó có việc bãi bỏ thị thực với công dân đi du lịch, thăm thân nhân hoặc kinh doanh trong thời gian 60 ngày. Trước thềm chuyến thăm, Chính phủ Nga đã phê chuẩn dự thảo thỏa thuận hợp tác quân sự với Hàn Quốc để trao đổi kinh nghiệm quân sự và tiến hành hoạt động cứu hộ trên biển. Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước cũng đã ký bản ghi nhớ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu. Thỏa thuận này đặt cơ sở cho Hàn Quốc giành được đơn đặt hàng ít nhất 13 tàu chở khí đốt thiên nhiên hóa lỏng từ Nga… Đây là những dấu hiệu chưa từng có và đầy thuyết phục để Nga và Hàn Quốc đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng như thúc đẩy hợp tác Á - Âu trên một bình diện mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.