Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy giao thương Việt - Hàn

Đình Hiệp| 06/03/2016 06:51

(HNM) - Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 12-2015. Trong khi hiểu biết của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam về Hiệp định còn hạn chế, các DN Hàn Quốc đã, đang tận dụng những ưu đãi của Hiệp định để mở rộng đầu tư tại Việt Nam.


Đón chờ những cơ hội từ FTA

Là một trong những DN Hàn Quốc đầu tư nhiều năm tại Việt Nam, ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam đang rất trông đợi những quy định trong Hiệp định sớm có hiệu lực để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo ông Hong Sun, các DN Hàn Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam như chính trị ổn định, chi phí nhân công rẻ, lao động Việt Nam chăm chỉ… Thế nhưng, bên cạnh đó các DN Hàn Quốc vẫn gặp phải một số khó khăn về thủ tục hành chính. "Những tập đoàn lớn thường có phòng pháp chế để nghiên cứu thủ tục, pháp luật Việt Nam khi đầu tư. Các DN vừa và nhỏ thì không thể thực hiện điều này vì không đủ nhân lực. Để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo quy định FTA, các DN mất nhiều thời gian chứng minh nguồn gốc của sản phẩm. Vì thế, chúng tôi cần sự hỗ trợ của chính phủ cũng như hiệp hội DN hai nước" - ông Hong Sun chia sẻ vui mừng khi Trung tâm hỗ trợ FTA cho DN hai nước được ra mắt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam.


Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Hàn tăng nhanh với tốc độ bình quân 23,4%/năm trong 10 năm qua. Năm 2015, Hàn Quốc là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 34,3 tỷ USD, tăng 29,2% so với năm 2014. Với lợi thế về các nhóm hàng nguyên, nhiên liệu, công nghiệp nhẹ và nông thủy sản, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc hàng dệt may, dầu thô, thủy sản, xơ sợi dệt các loại, gỗ và sản phẩm từ gỗ... Hàn Quốc có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, vải, linh kiện điện thoại... Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, đến nay tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 43,64 tỷ USD với 4.777 dự án đầu tư còn hiệu lực. "Việc FTA Việt - Hàn có hiệu lực cũng như cho ra mắt Trung tâm hỗ trợ về Hiệp định sẽ góp phần mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác và phát triển thương mại, đầu tư giữa hai nước", ông Hải cho biết.

Tạo thuận lợi cho các DN Việt – Hàn

Nhận thức được những khó khăn về thủ tục hành chính và đòi hỏi tăng cường quảng bá nội dung của Hiệp định cho các DN hai nước, Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) vừa khai trương Trung tâm hỗ trợ FTA Hàn - Việt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các chuyên gia làm việc tại trung tâm là những người có kinh nghiệm sẽ tư vấn về FTA cho DN, cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn vướng mắc về rào cản thương mại phi thuế quan, cấp chứng nhận xuất xứ; cung cấp thông tin về lợi ích từ lộ trình cắt giảm thuế quan trong FTA cho DN Hàn Quốc đang thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Hàn Quốc là nước có thế mạnh cung cấp công nghệ nguồn, vốn đầu tư, quy trình sản xuất, kinh nghiệm quản lý hiện đại. Trung tâm hỗ trợ FTA Hàn - Việt tại Việt Nam đi vào hoạt động là địa chỉ tin cậy và hữu ích cho DN hai nước trong quá trình hợp tác, phát triển kinh doanh.

Theo đánh giá của KOTRA, Việt Nam là một trong 4 thị trường chiến lược có thể giúp thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, đồng thời tập trung kết nối các nhà sản xuất với người mua hàng. Theo dự báo quy mô thương mại hai nước sẽ tăng thêm 150 triệu USD/năm trong vòng 15 năm tới từ khi FTA có hiệu lực. Ông Kim Jae Hong, Chủ tịch KOTRA nhận định: "Trung tâm hỗ trợ FTA Hàn - Việt ra đời là nơi hỗ trợ DN vận dụng linh hoạt các điều khoản FTA để tạo đà tăng trưởng cho các hoạt động xuất khẩu đi đến các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu... vốn đã bị suy thoái trong thời gian qua".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy giao thương Việt - Hàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.