Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động công chứng

Hà Phong| 10/04/2022 07:18

(HNM) - Sau khi đi vào cuộc sống, Luật Công chứng năm 2014 đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là giảm thiểu công việc cho tòa án trong giải quyết các tranh chấp dân sự… Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập, đòi hỏi cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả, trong đó có thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động công chứng…

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng tại điểm cầu Hà Nội, tháng 1-2022. Ảnh: Phương Thảo

Với việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, đội ngũ công chứng viên đang phát triển với tốc độ khá cao - tăng 2,7 lần; số lượng tổ chức hành nghề công chứng cũng tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành.

Theo Bộ Tư pháp, thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 27 triệu việc công chứng, trong đó công chứng hợp đồng giao dịch lĩnh vực đất đai, nhà ở chiếm phần lớn và gần 60 triệu việc chứng thực. Qua đó, thể hiện vai trò hoạt động công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho tòa án trong giải quyết các tranh chấp dân sự.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số, hoạt động công chứng lại thiếu sự liên kết, tích hợp giữa cơ sở dữ liệu công chứng với các dữ liệu của các ngành, nghề có liên quan; cơ sở dữ liệu giao dịch tài sản, cung cấp thông tin cho tổ chức hành nghề công chứng chưa hoàn chỉnh. Từ đó, dẫn đến việc xác minh thông tin, thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân gặp khó khăn. Nhiều công chứng viên tuổi cao, sức khỏe yếu không bảo đảm nhưng vẫn hành nghề công chứng, trong khi đó, Luật Công chứng năm 2014 chưa có giới hạn về tuổi hành nghề; có văn phòng công chứng thực chất chỉ có 1 công chứng viên (công chứng viên còn lại đi thuê để đứng tên)…

Đội ngũ công chứng viên tuy tăng nhanh về số lượng nhưng vẫn còn một bộ phận yếu về nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Việc phân bổ công chứng viên cũng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, còn các địa phương khác thì tình trạng thiếu công chứng viên vẫn thường xuyên diễn ra và chưa có giải pháp hữu hiệu.

Mới đây nhất, từ tố cáo của người dân, Sở Tư pháp Hà Nội đã vào cuộc xác minh, đề nghị Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong công chứng hợp đồng về đất đai của công chứng viên Nguyễn Văn Thu thuộc Văn phòng Công chứng Hoàng Bích Diệp (nay là Văn phòng Công chứng Nguyễn Thu) trong việc chứng nhận Hợp đồng ủy quyền số công chứng 1261/2020/HĐUQ trái thủ tục, nguyên tắc hành nghề, nghĩa vụ của công chứng viên.

Cho rằng xây dựng, nguồn lực, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, bảo đảm thể chế, pháp luật thật sự là “đòn bẩy” cho hoạt động công chứng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, thời gian tới, các đơn vị, địa phương phải tăng cường kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh những sai phạm và biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động công chứng như: Chia sẻ thông tin, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan; phát huy vai trò tự quản của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, hội công chứng viên các địa phương… Bộ Tư pháp cũng xác định chuyển đổi số; tập trung nguồn lực để tạo lập hệ thống pháp luật về công chứng, chứng thực đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi ngay trong dự thảo Luật Công chứng sửa đổi là yêu cầu cấp bách.

Theo hướng đi này, Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc với đầu mối là Trung tâm Dữ liệu công chứng quốc gia để cung cấp thông tin cho việc thực hiện công chứng của công chứng viên, là đầu mối lưu trữ toàn bộ hồ sơ công chứng đã thực hiện. Đây cũng là cơ sở để thực hiện theo dõi toàn bộ các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng trong phạm vi toàn quốc; đồng thời liên thông các lĩnh vực liên quan đến công chứng (đất đai, nhà ở, dân cư...) để thuận tiện trong quản lý; xây dựng Đề án chuyển đổi số hoạt động công chứng cho phép chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong giai đoạn đầu có thể triển khai thí điểm công chứng điện tử, công chứng trực tuyến đối với một số giao dịch nhất định; trên cơ sở thực hiện và đánh giá kết quả thí điểm sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động công chứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.