Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy cải cách, minh bạch thủ tục hành chính

Hà Phong| 08/01/2016 06:54

(HNM) - Năm 2015, nhờ chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, công tác tư pháp Thủ đô đã có nhiều đột phá, góp phần thúc đẩy cải cách, minh bạch thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.


Nâng chất lượng xây dựng, ban hành văn bản

Xác định việc lãnh đạo thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố có mối quan hệ mật thiết với việc chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của thành phố, làm tốt công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL đồng nghĩa với việc tạo ra thể chế, hành lang, cơ sở pháp lý, môi trường đầu tư minh bạch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội, qua đó thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra, trong năm 2015, Sở Tư pháp đã đặc biệt chú trọng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.

Công tác tư pháp Thủ đô đã có nhiều đột phá. Ảnh: Nhật Nam


Đã có trên 300 dự thảo văn bản của Trung ương và thành phố được Sở Tư pháp phối hợp xây dựng, đánh giá từ nội dung đến hình thức, là cơ sở để các cấp có thẩm quyền sửa đổi ban hành. Cũng trong thời gian này, Sở Tư pháp đã nâng cao vai trò, vị thế của mình, là người tham mưu đáng tin cậy cho thành phố trong việc xây dựng văn bản QPPL, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát và xử lý vi phạm. Rà soát hàng trăm văn bản QPPL do HĐND và UBND thành phố ban hành, Sở Tư pháp đã xác định 472 văn bản còn hiệu lực; 18 quyết định hết hiệu lực toàn bộ, 6 văn bản do UBND thành phố và giám đốc sở ban hành có nội dung chưa phù hợp, kịp thời báo cáo UBND thành phố sửa đổi.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra 182 văn bản có chứa QPPL tại các quận, huyện Gia Lâm, Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Phúc Thọ, Thạch Thất còn cho thấy, nhờ thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, công tác ban hành văn bản của các quận, huyện đã đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên. Chỉ còn một số văn bản sai về thẩm quyền ban hành hoặc viện dẫn căn cứ pháp lý thiếu, một số quy định không phù hợp với văn bản cấp trên. Sở Tư pháp đã có văn bản kiến nghị trực tiếp với thường trực HĐND, UBND các quận, huyện, yêu cầu đình chỉ thi hành và hủy bỏ các văn bản có dấu hiệu trái luật.

Củng cố nhân lực

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá: "Công tác tư pháp năm 2015 của thành phố được triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đã đề ra, góp phần cùng các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô". Đáng lưu ý, không chỉ công tác thẩm định, rà soát văn bản có những con số ấn tượng, đánh dấu sự chuyển mình của ngành Tư pháp, công tác kiểm soát thủ tục hành chính cũng có những bước đột phá.

Để bảo đảm công khai, minh bạch các quy định hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm soát chất lượng, phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, GD-ĐT, NN&PTNT, đã có 11 thủ tục được đơn giản hóa, góp phần giảm chi phí hành chính cho người dân lên đến 115 tỷ đồng/năm. Ở mảng lao động việc làm, văn hóa, thú y, nước sạch cũng có nhiều sáng kiến cải cách hành chính có tính ứng dụng cao. Hai dịch vụ công được lựa chọn thí điểm là cung cấp nước sạch và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đều là những dịch vụ công thiết yếu và có số lượng giao dịch lớn được rút ngắn thời gian giải quyết so với trước đây, cắt giảm yêu cầu xác nhận của xã, phường, thị trấn tại một số mẫu đơn, mẫu tờ khai, được người dân đồng tình, ủng hộ.

Song bên cạnh những chuyển biến tích cực được các cá nhân, tổ chức hoan nghênh, ủng hộ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng chỉ rõ những hạn chế, cần khắc phục trong năm 2016. Đó là lĩnh vực y tế, nông nghiệp còn lúng túng, chưa thực sự chuyển mình trong cải cách thủ tục hành chính. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực luật sư, công chứng vẫn còn thiếu bao quát, việc giải quyết hộ tịch có sai sót. Một số sở, ngành, quận, huyện chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát thủ tục hành chính dẫn đến triển khai kế hoạch chậm, công bố thủ tục hành chính chưa kịp thời. Nguyên nhân của những hạn chế này xuất phát từ số lượng, khối lượng nhiệm vụ bổ sung của ngành Tư pháp trong năm tương đối nhiều, trong khi đó nguồn lực bộ máy, cán bộ, kinh phí còn hạn chế. Một số quận, huyện chưa coi trọng vị trí, vai trò công tác tư pháp, pháp chế trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội dẫn đến việc bố trí chưa đủ nguồn lực để triển khai thực hiện.

Vì vậy, giai đoạn 2016-2021, UBND thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tiếp tục nghiên cứu, củng cố kiện toàn tổ chức cán bộ tư pháp các quận, huyện, thị xã, kiện toàn hoạt động pháp chế của các sở, ngành để các đơn vị có đủ lực lượng cán bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy cải cách, minh bạch thủ tục hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.