(HNM) - Giữa lúc các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đau đầu tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng di cư cũng như giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria, Thủ tướng Đức Angela Merkel thực hiện chuyến công du Trung Quốc.
Đây là lần thứ 8 bà A.Merkel thăm Trung Quốc kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2005. Không chỉ trở thành nhà lãnh đạo trong EU công du Trung Quốc nhiều nhất, sự hiện diện của "bóng hồng" quyền lực nhất thế giới tại Bắc Kinh trong ngày 29 và 30-10 thể hiện rõ mối quan hệ Đối tác chiến lược chung nhiều lợi ích Trung Quốc - Đức đã được hai bên khẳng định trong nhiều năm qua.
Thủ tướng Lý Khắc Cường (phải) và Thủ tướng Angela Merkel nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước. |
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nhận định, Trung Quốc và Đức là những quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Vì thế, quan hệ hai nước đã vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương và thực sự bước sang giai đoạn phát triển nhanh chóng. Trên cơ sở đó, chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 8 của bà A.Merkel không nằm ngoài lộ trình phát triển này. Với sự tháp tùng của các quan chức cấp cao cùng đội ngũ doanh nhân hùng hậu, trong đó có tân Giám đốc điều hành Tập đoàn xe hơi Volkswagen Matthas Mueller, chuyến công du của Thủ tướng A.Merkel không nằm ngoài mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Sự kiện nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất EU chọn Trung Quốc - nền kinh tế đầu tàu ở Châu Á và lớn thứ 2 thế giới - để kiếm tìm các lợi ích kinh tế là điều dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Đức đang chịu tác động tiêu cực sau khi cùng EU tung lệnh trừng phạt kinh tế Nga - một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Đức.
Những năm qua mặc dù kinh tế toàn cầu cũng như trong EU gặp nhiều khó khăn, nhưng hợp tác kinh tế - thương mại Đức - Trung Quốc không ngừng phát triển. Đức hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc tại EU khi gần một nửa hàng hóa xuất khẩu của Châu Âu sang thị trường Trung Quốc từ Đức. Ở chiều ngược lại, gần 1/4 hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Châu Âu được tiêu thụ tại Đức. Đến nay, kim ngạch thương mại song phương hằng năm giữa Trung Quốc và Đức vượt cả tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Pháp, Anh và Italia. Năm 2014, trao đổi thương mại song phương Đức - Trung đạt trên 150 tỷ euro. Hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp Đức đang hoạt động, kinh doanh tại Trung Quốc. Các hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Đức đều nhảy vào thị trường Trung Quốc nhanh và mạnh mẽ hơn so với các đối thủ, trong đó, Volkswagen là hãng ô tô nước ngoài đầu tiên mở gian hàng tại Trung Quốc từ cách đây 30 năm. Chỉ riêng năm ngoái, Trung Quốc đã chiếm 1/5 doanh số bán hàng của hãng ô tô BMW, cao hơn nhiều so với 13% của hãng này tại Đức. Đức hiện cũng là thành viên trong Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập.
Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp đó, trong cuộc hội đàm diễn ra chiều 29-10 tại thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường lớn với Đức và Bắc Kinh có thể học hỏi từ ngành công nghiệp quốc gia Châu Âu này. Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc và Châu Âu nên phác thảo một nghiên cứu khả thi về đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) sớm nhất có thể. Đề xuất này của Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của Đức khi bà A.Merkel cho rằng, việc hoàn tất nhanh hiệp định đầu tư giữa EU và Trung Quốc là quan trọng, góp phần mở đường cho nghiên cứu khả thi về đàm phán FTA. Như một minh chứng cho thấy hợp tác kinh tế giữa hai nước không ngừng phát triển, ngay sau cuộc hội đàm hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết nhiều hợp đồng kinh tế lớn như: Thỏa thuận Trung Quốc mua 100 máy bay Airbus A320 và 30 máy bay A330 với tổng trị giá 15,5 tỷ euro (17 tỷ USD); Lễ ký hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn chế tạo máy Voith của Đức với Công ty thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc, đơn vị xây dựng và vận hành đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới…
Với tham vọng sẽ đạt được những thỏa thuận hợp tác vượt qua cả những bản hợp đồng trị giá 44 tỷ USD mà Trung Quốc và Anh vừa đạt được trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình, sự hiện diện của Thủ tướng A.Merkel tại Bắc Kinh trong những giờ qua một lần nữa khẳng định vị thế của Đức - một đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc trong EU. Vì thế, các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế được ký kết trong chuyến thăm được cho là "liều thuốc" tăng lực với Đức trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này cũng như Châu Âu chưa khởi sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.