Góc nhìn

Thực chất trong đánh giá, xếp loại

Tuấn Minh 25/07/2023 - 06:27

Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm trong các cơ quan, đơn vị có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định được các cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ ở mức nào để từ đó kịp thời động viên, khen thưởng. Với những người chưa hoàn thành nhiệm vụ, đây là dịp nhìn lại chức trách, nhiệm vụ được giao để hoàn thiện mình.

Điều quan trọng hơn, đánh giá, xếp loại chất lượng còn là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Thế nhưng, thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng đánh giá, xếp loại chưa thực sự căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, những ưu điểm, tồn tại, hạn chế của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; từ đó, nảy sinh hiện tượng “cào bằng” trong đánh giá. Tâm lý “ai cũng tốt” dẫn đến việc xếp loại “hoàn thành xuất sắc”, “hoàn thành tốt nhiệm vụ” ở nhiều đơn vị luôn có tỷ lệ cao. Và sự nỗ lực, cố gắng của nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa được ghi nhận thỏa đáng, chưa có tính thúc đẩy, làm việc theo kiểu “bình quân chủ nghĩa”, miễn làm xong nhiệm vụ được giao.

Để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, ngày 17-7-2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, ngày 13-8-2020, về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức với nhiều điểm mới. Đáng chú ý, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP quy định rõ tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng. Nếu quy định cũ tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP chỉ nêu sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để liên thông đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên thì điểm mới trong đánh giá có hiệu lực từ ngày 15-9-2023 bổ sung chi tiết hướng dẫn xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính.

Ngoài những điểm mới trên, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP còn sửa tiêu chí xếp loại cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Một trong các tiêu chí làm căn cứ xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ được sửa từ “có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá” thành “có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá”. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Để nghị định đi vào cuộc sống, cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá, cần tập trung hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, từ đó làm cơ sở đánh giá theo hướng thực chất hơn. Mỗi đơn vị cần căn cứ quy định mới này để cụ thể hóa các nội dung trong xếp loại, đánh giá công khai, công bằng, dân chủ, chính xác. Và quan trọng hơn cả vẫn phải là thực hiện nghiêm túc, có sự giám sát chặt chẽ của các bên liên quan để Nghị định số 48/2023/NĐ-CP phát huy tác dụng như kỳ vọng. Có như vậy, việc đánh giá, xếp loại mới thực sự là cơ sở, động lực để cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực chất trong đánh giá, xếp loại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.