Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuận tiện nhưng phải bảo đảm tính cạnh tranh

Hà Phong| 07/06/2016 06:58

(HNM) - Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến các bộ, ngành vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện.

Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện sẽ góp phần tiết kiệm


Sẽ nhận, trả kết quả TTHC qua bưu điện

Thời gian qua, những nỗ lực cải cách TTHC của các cấp, ngành đã được người dân, doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, giải quyết chủ yếu mang tính thủ công, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này còn hạn chế. Vì vậy, người dân phải đến trực tiếp cơ quan giải quyết TTHC nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết, vừa tốn thời gian, nhất là đối với những người ở vùng sâu, vùng xa, vừa dễ phát sinh tiêu cực.

Để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điện. Theo hướng đi này, tất cả tổ chức, cá nhân đều có thể thông qua dịch vụ bưu điện để thực hiện mọi TTHC (gửi hồ sơ, nhận kết quả) với các cơ quan công quyền, chỉ trừ một số TTHC pháp luật quy định không được ủy quyền.

Dự thảo đã đưa ra một quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả rất cụ thể, minh bạch. Đơn cử, các tổ chức, cá nhân sẽ gửi hồ sơ tại các điểm phục vụ bưu điện hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu của mình. Họ sẽ cùng với nhân viên bưu điện kiểm đếm, lập danh mục các tài liệu, văn bản có trong hồ sơ. Nếu thấy tài liệu, văn bản còn thiếu so với quy định thì nhân viên bưu điện sẽ hướng dẫn bổ sung đầy đủ... mới lập phiếu giao nhận hồ sơ rồi đóng gói, niêm phong và chuyển phát.

Cần rõ trách nhiệm và bảo đảm tính cạnh tranh

Hiện mỗi ngày trên toàn quốc có tối thiểu 600.000 giao dịch liên quan tới TTHC. Theo tính toán sơ bộ, riêng năm 2015, gần 9 triệu người dân đã thực hiện các TTHC liên quan đến: Cấp chứng minh nhân dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội; tổng chi phí khi trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi giải quyết TTHC là trên 1.836 tỷ đồng. Tới đây, nếu sử dụng dịch vụ của bưu điện thì theo tính toán của Bộ Tư pháp, chi phí xã hội chỉ phải bỏ ra là trên 234 tỷ (bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến giải quyết TTHC), tiết kiệm được 1.602 tỷ đồng.

Sự tiết kiệm được chi phí này, theo tính toán của Bộ Tư pháp, đối với người dân là thời gian, chi phí đi lại đồng nghĩa với việc giảm thiểu số lần tham gia giao thông, giảm thiểu rủi ro khách quan; đối với cơ quan hành chính là giảm chi phí liên quan đến hoạt động của các bộ phận một cửa (về nhân lực và cơ sở vật chất)…

Trên thực tế, cách thức mới này đã được nhiều địa phương triển khai, trong đó có Hà Nội. Song, để thực hiện một cách trách nhiệm, đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước, rất cần có một văn bản pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Ông Nguyễn Ngọc Bích ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ chia sẻ: "Hiện mỗi khi cần giải quyết TTHC, chúng tôi phải đi lại nhiều lần. Nếu sử dụng dịch vụ trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện như dự thảo Quyết định nêu, chúng tôi có thể đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất hoặc nhân viên bưu điện sẽ tới tận địa chỉ khách hàng đăng ký để mang hồ sơ đó nộp cho cơ quan giải quyết". Theo ông Bích, đây là giải pháp góp phần ngăn ngừa tham nhũng, thúc đẩy sự phát triển của loại hình dịch vụ công ích, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung cho cả cộng đồng, xã hội. Tất nhiên, theo phương thức này thì tổ chức bưu điện có quyền nhận phí, lệ phí của tổ chức, cá nhân để chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết TTHC. Ở chiều ngược lại, một điều cũng cần quy định rõ, nếu hồ sơ bị thiếu, thất lạc hoặc hư hỏng trong quá trình chuyển phát của tổ chức bưu điện (lỗi của tổ chức bưu điện) mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì bưu điện phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điểm đáng quan tâm nữa trong quá trình đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quyết định còn có quan điểm khác nhau về quy định đầu mối dịch vụ phát chuyển hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân được thực hiện bởi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Tại sao không để cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính hợp pháp (khoảng 200 doanh nghiệp) cùng tham gia cung ứng để thị trường dịch vụ này sẽ có sự cạnh tranh và phát triển là điều cần lý giải rõ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thuận tiện nhưng phải bảo đảm tính cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.