(HNM) - Tháng 5-2014, nghề giúp việc gia đình (NGVGĐ) chính thức được công nhận là một nghề chuyên nghiệp. Người lao động (NLĐ) được ký hợp đồng lao động với mức lương không thấp hơn lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước (Nghị định 27 của Chính phủ), được đóng bảo hiểm xã hội,
Có thể nói, sau khi Luật Lao động công nhận NGVGĐ, NLĐ cũng như người thuê LĐGV cảm thấy thuận lợi hơn. Trước đây, đa số NGV được trả lương theo thỏa thuận miệng, không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, y tế, không có ngày nghỉ cố định... Do không có những ràng buộc pháp lý, đã xảy không ít vụ việc NLĐ bị bạo hành, quấy rối. Về phía chủ gia đình thuê LĐGV cũng bức xúc khi phần lớn NGVGĐ xuất phát từ nông thôn, trình độ học vấn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên môn GVGĐ. Vì vậy, Nghị định 27 là một bước tiến quan trọng bảo vệ quyền lợi cho cả hai phía, đặc biệt là NGVGĐ.
Đào tạo lao động làm giúp việc gia đình. Ảnh: DOLAB |
Theo khảo sát, sau khi Nghị định có hiệu lực, nhiều gia đình đã thực hiện đúng luật bằng việc ký hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT, có thông báo cho chính quyền cơ sở cấp xã, phường. Tuy nhiên, việc thực hiện theo luật chỉ dừng lại ở thông báo, lại chưa có chế tài xử lý nên việc kiểm tra, giám sát gặp không ít khó khăn. Do vậy, nhiều gia đình tiếp tục sử dụng "hợp đồng miệng", tự thỏa thuận mức lương phù hợp, không thông báo với chính quyền sở tại. Một vấn đề khác là hiện rất ít trung tâm, tổ chức, tiến hành đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho NGVGĐ. Minh chứng cụ thể là Trung tâm Đào tạo và nâng cao năng lực phụ nữ (thuộc Hội LHPN Việt Nam) đã từng thông báo tuyển sinh khóa đào tạo cấp chứng chỉ nghề dịch vụ chăm sóc gia đình với mục đích cung cấp các phương pháp, kỹ năng cho LĐ trong các lĩnh vực: giúp việc nhà; dọn dẹp nhà cửa; chăm sóc trẻ em, người già và bệnh nhân... Tuy nhiên, số học viên đến đăng ký rất ít nên đến nay trung tâm không thể tổ chức đào tạo. Hoặc như Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội trước đây đã từng tổ chức khóa đào tạo nghề cho GVGĐ nhưng ý thức của NLĐ hạn chế, hiệu quả không cao nên phải dừng hoạt động.
Cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), điều quan trọng nhất là Việt Nam đã có những biện pháp, chế tài cụ thể để biến cam kết bảo vệ NGVGĐ thành hiện thực. Và để những quy định này đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là vai trò vận hành thị trường lao động, tạo nguồn cung có chất lượng, cung cấp những LĐGVGĐ có kiến thức, kỹ năng nhất định, được đào tạo để làm nghề.
Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) cùng Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng đang lấy ý kiến tham vấn các nhóm công việc vào danh mục đơn vị năng lực nghề GVGĐ ở Việt Nam, tiến tới hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề GVGĐ. Theo hai đơn vị trên thì Bộ tiêu chuẩn sẽ quy định NGVGĐ là một nghề không liên quan đến hoạt động thương mại, thực hiện 6 nhóm công việc gồm: chăm sóc trẻ sơ sinh - trẻ nhỏ; chăm sóc người cao tuổi - người bệnh; chăm sóc vật nuôi - cây cảnh thông thường trong gia đình; chế biến món ăn - đồ uống; lau dọn nhà - sân vườn; giặt - là. Đây là những công việc được đánh giá là phù hợp với NGV, dựa theo Bộ tiêu chuẩn nghề, dựa theo Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề giúp việc gia đình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việc xác định các nhóm công việc sẽ là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các chương trình đào tạo nghề ở Việt Nam trong thời gian tới. Chẳng hạn, trong một phiên giao dịch việc làm hoặc một thông báo tuyển dụng lao động NGVGĐ, nếu không có liệt kê danh mục công việc của NLĐ, người đi tuyển lao động sẽ gặp khó khăn trong lựa chọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.