Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuận lợi cho người dân

Việt Nga| 14/12/2016 06:58

(HNM) - Sau hơn 2 năm thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội trên địa bàn, đến nay Bưu điện TP Hà Nội đã mở rộng phục vụ tại 25 quận, huyện, thị xã với 325.000 người thụ hưởng.


Nhân viên bưu điện chi trả lương hưu tại thôn Phú Đô, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Ngọc Mai


Nhiệt tình, năng động

Từ trước 8h sáng ngày 8-12, tại Nhà văn hóa thôn Phú Đô, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), các cán bộ bưu điện (thuộc Bưu điện Trung tâm 2 - Bưu điện TP Hà Nội) đã bố trí những dãy bàn kê ngay ngắn, trên bàn có báo in, nước trà để phục vụ người cao tuổi đến lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH.

Bác Thái Thị Ngọc, 67 tuổi, tổ dân cư số 3, phường Phú Đô cho biết, trước đây các cán bộ hưu trí như bác nhận lương hưu qua UBND xã, bắt đầu nhận lương qua bưu điện hơn một năm nay và rất hài lòng. Bác Ngọc kể lại: “Khi đến lĩnh lương, chúng tôi được đón tiếp, hướng dẫn rất nhiệt tình. Nếu chẳng may quên, còn có người gọi điện nhắc nhở ra lĩnh lương. Tôi biết, có cụ cao tuổi ốm, nhân viên bưu điện còn mang lương đến tận nhà”. Còn theo bác Nguyễn Văn Lịch, 70 tuổi, tổ dân cư số 1, phường Phú Đô thì nhân viên bưu điện đã tạo được niềm tin cho người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH.

Cùng quan điểm này, bác Bùi Văn Sáng ở tổ dân cư số 3, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) cho biết, trước đây, hằng tháng khi lĩnh lương xong, chúng tôi được nhân viên phát lịch thông báo kỳ lĩnh tháng sau, nhưng từ năm 2017 đã có lịch phát lương cụ thể cho cả năm. Đây là cách làm linh hoạt của bưu điện để đem lại sự thuận tiện lớn cho người dân.

Trên đây chỉ là vài ý kiến trong số rất nhiều người dân được hỏi cho biết họ rất hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên bưu điện tại các điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH. Chia sẻ về “bí quyết” trong việc phục vụ tốt người dân nhận lương hưu và trợ cấp BHXH, ông Trần Quốc Huy (Bưu điện Trung tâm 2 - Bưu điện TP Hà Nội) cho biết, đơn vị bố trí 3 nhân viên phụ trách 3 khâu nghiệp vụ (nhận phiếu lĩnh lương hưu, ký danh sách; dùng phần mềm đối chiếu dữ liệu để bảo đảm chi trả đúng người, đúng số tiền; phát tiền). Quy trình này được thực hiện nhanh, chỉ 2-3 phút là có thể hoàn tất khâu chi trả lương tại bàn cho các cụ hưu trí.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Được biết, trong việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, Bưu điện TP Hà Nội đã thực hiện ứng dụng CNTT bằng việc sử dụng phần mềm có tính năng nhận dạng người thụ hưởng qua ảnh. Theo Phó Giám đốc Bưu điện TP Hà Nội Phạm Thị Xuân Mai, từ năm 2014 khi triển khai thí điểm trả lương hưu, Bưu điện TP Hà Nội đã nghiên cứu quy trình này, chọn cách thí điểm từng bước. Cụ thể, đơn vị phối hợp với BHXH thành phố thực hiện thay đổi ban đầu bằng cách phát sổ bảo hiểm có mã vạch, tiếp đó thực hiện trang bị các thiết bị máy tính, đầu đọc mã vạch, thiết bị kết nối 3G... Khi người thụ hưởng chế độ đến lĩnh, chỉ việc đưa sổ vào, đầu đọc mã vạch sẽ có các thông tin (gồm ảnh, thông tin về người nhận tiền, lịch sử chi trả...) của người hưởng chế độ.

Cũng theo bà Phạm Thị Xuân Mai, việc ứng dụng CNTT chi trả lương hưu tại các bưu cục cũng được đẩy mạnh, như nhân viên có thể nhập trực tiếp số tiền chi trả lên hệ thống (hoặc nhập sau khi kết thúc với phương châm nhân viên không giữ tiền). Cách làm này giúp ngân hàng nắm bắt được thực tế số tiền chi trả đồng thời góp phần quản lý tốt, tạo sự minh bạch trong quản lý sử dụng dòng tiền mà bưu điện nhận chuyển khoản từ BHXH.

Ngoài ra, để phục vụ người dân tốt hơn, ngay từ khi chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống, Bưu điện TP Hà Nội đã chủ động làm tròn số tiền lẻ để người hưởng hài lòng. Cụ thể, với số tiền lẻ 100-400 đồng, làm tròn thành 500 đồng; tiền lẻ 600-900 đồng, làm tròn thành 1.000 đồng. “Với cách làm tròn này, bình quân mỗi tháng, Bưu điện TP Hà Nội bù khoảng 80 triệu đồng. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là việc làm cần thiết để giảm phiền hà cho người dân, nâng cao chất lượng phục vụ” - bà Phạm Thị Xuân Mai nhấn mạnh.

Đến nay, Bưu điện Hà Nội đã chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tại 18 huyện, thị xã và 7 quận nội thành với 325.000 người thụ hưởng; tổng số tiền chi trả là 1.200 tỷ đồng/tháng. Do vậy, để nâng cao hiệu quả phục vụ, việc ứng dụng CNTT tiếp tục được nhân rộng ra toàn địa bàn ở nhiều lĩnh vực để phục vụ người dân tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuận lợi cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.