(HNM) - Cuộc sống không thể thiếu được âm nhạc. Âm nhạc tự nó chứa đựng các giá trị thẩm mỹ, nhận thức, giáo dục, truyền tải cảm xúc đến người nghe một cách tự nhiên hoặc có chủ ý. Âm nhạc có thể làm cho con người lạc quan hơn, yêu cuộc sống hơn; và cũng có thể làm cho con người chán nản, mất phương hướng, dẫn dụ lớp trẻ đến những hành vi tiêu cực. Trong nhiều năm trở lại đây, âm nhạc Việt Nam vừa thừa lại vừa thiếu...
Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay, khán giả cả nước có dịp nghe lại nhiều bài hát cách mạng qua các thời kỳ. Dù đã sau 65 năm nhưng nghe lại “19 tháng 8” của cố nhạc sỹ Xuân Oanh, người nghe vẫn có thể mường tượng ra khí thế trào dâng ngày khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội với giai điệu mạnh mẽ, ca từ dễ thuộc, có sức lôi cuốn, lan tỏa trong dân chúng. Dù là đề tài cách mạng, 19 tháng 8 được viết với nhịp 2/4 vẫn có giá trị nghệ thuật vì nếu không, nó đã bị quên lãng. Trong kháng chiến chống Mỹ, có những ca khúc với lời ca từ “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn” hay “Em đi lên rừng, cây xanh mở lối, em đi xuống núi, núi phải cúi đầu...” vừa lãng mạn, vừa thúc giục thanh niên ra tiền tuyến chống Mỹ hơn bất cứ khẩu hiệu nào.
Chiến tranh đã qua, đề tài chiến đấu thưa dần trong đời sống âm nhạc cũng là điều dễ hiểu nhưng lại quá thiếu các ca khúc chính trị. Còn nhớ những năm 1980 thế kỷ trước, Hà Nội đã xuất hiện một nhóm ca khúc chính trị. Nhưng do thiếu sự nuôi dưỡng, thiếu các sáng tác mới nên nhóm ca khúc chính trị này rơi rụng một cách đáng tiếc. Từ khi đất nước đổi mới, cũng xuất hiện rải rác các ca khúc chính trị được khán giả đón nhận: Một rừng cây, một đời người (Trần Long Ẩn), Bài ca chiến thắng (Lê Quang), Đường đi tới vinh quang (Trần Lập, nhóm Bức Tường)... Tuy nhiên những ca khúc như vậy không nhiều.
Thiếu vắng ca khúc chính trị nhưng lại quá thừa các ca khúc về tình yêu mà không phải tình yêu nam nữ lãng mạn, lạc quan mà là các ca khúc với giai điệu ủy mỵ, buồn thảm; ca từ bế tắc, tiêu cực, ru ngủ, xa rời thực tại, kiểu như “Nếu anh đi, em còn gì để mất. Em sẽ về với đất, để anh mãn nguyện bên người yêu mới giàu sang” hay “Ta không thể lấy được nhau, xin chọn cái chết để mãi bên nhau”. Hầu hết ca khúc loại này là của các nhạc sỹ trẻ. Họ phơi cái tôi ra trước thiên hạ, vay đau đớn, mượn bi thương để viết ra những bài hát mà nhạc sỹ Dương Thụ gọi là “rác âm nhạc”. Có điều lạ là, các bài hát này vẫn được cơ quan có thẩm quyền cấp phép biểu diễn trên sân khấu hay ra đĩa CD, DVD. Đúng là các bài hát này không có ca từ phản động, không gây chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc, không ra mặt đi ngược lại văn hóa truyền thống dân tộc, song nó có cần cho đời sống hôm nay không?
Đất nước đang trong thời kỳ xây dựng; dù không còn bom đạn nhưng đầy khó khăn, thử thách nên rất cần những ca khúc có sức lôi cuốn, lan tỏa, động viên, khích lệ quần chúng, nhất là tầng lớp thanh niên, để họ có niềm tin vào cuộc sống, tin vào tương lai đất nước. Đó là trách nhiệm công dân của nhạc sỹ. Song, chắc là còn phải chờ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.