(HNM) - Việt Nam hiện đứng thứ năm trên thế giới cả về chất lượng lẫn sản lượng xuất khẩu chè. Các con số công bố tại hội nghị quốc tế chè Việt Nam lần thứ hai vừa được tổ chức cho thấy nhiều chỉ tiêu như sản lượng chè khô, khối lượng xuất khẩu, năng suất bình quân, diện tích vùng nguyên liệu…
Năm 1998, 1kg chè xuất khẩu của nước ta được 1,52 USD. 10 năm sau, giá 1kg chỉ còn 1,23 USD. Nếu tính cả yếu tố trượt giá của đồng USD cũng như Việt Nam đồng, con số này hẳn bi đát hơn nhiều.
Người trồng chè, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè đã tự thua như thế. Nhiều chuyên gia đã cay đắng là "ngành chè tự đi giật lùi".
Tự thua thì thua thiên hạ là điều tất yếu. Giá chè xuất khẩu Việt Nam còn ngày càng bị bỏ xa hơn tại các sàn giao dịch (nông sản) lớn. Chẳng hạn, tại "thời điểm hoàng kim" của trà Việt năm 1998 thì tại các sàn lớn như Calcutta, Colombo, Monbasa... mức giá trung bình là 2,01 USD/1kg, hơn trà Việt tới 0,49 USD/kg. Năm 2009, giá trung bình tại các sàn là 2,43 USD/kg thì xót xa hơn, giá chè của Việt Nam lại "rơi tự do" còn 1,23 USD/kg, thua tới 1,20 USD. Tính ra, trong 10 năm, trong khi mức giá trung bình của thế giới tăng 18% thì chè Việt giảm 20%.
Nói chung là như vậy…
Những kết luận đẹp đẽ, kiểu như "đạt và vượt kế hoạch", những chỉ số hay ho kiểu như "cường quốc chè số năm" cần phải dẹp sang một bên khi ngành chè thua và tự thua không phanh. "Lỗi" được "chia đều" cho tất cả: Doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận trước mắt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín chè Việt Nam; chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vệ sinh, an toàn thực phẩm bị bỏ ngỏ; người nông dân được giao phó hoàn toàn trong khâu sản xuất...
Nói tóm lại, chúng ta không biết, không chịu tổ chức sản xuất một cách khoa học.
Hiệp hội Chè Việt Nam, các doanh nghiệp nghĩ thế nào khi ông Muhammad Hanif Janoo, Chủ tịch Hiệp hội Chè Pakistan cho hay, "sẵn sàng trả giá cao hơn với điều kiện chất lượng phải ổn định", thậm chí muốn đầu tư vào ngành chè tại Việt Nam để sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng… Pakistan?.
Nếu tiếp tục phương châm "lấy số lượng bù chất lượng", ngành chè còn tiếp tục thua và tự thua, tiếp tục vai trò "làm thuê ít chất xám". Và không chỉ ngành chè…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.