(HNM) - Một số sự việc đáng tiếc liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non xảy ra chủ yếu ở các nhóm, lớp tư thục trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý các cơ sở này.
20% số nhóm, lớp tư thục chưa được cấp phép
Trẻ tập vận động trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ tại Trường Mầm non tư thục Dream House. Ảnh: Huyền Linh
Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình ngoài công lập (NCL) ở Hà Nội những năm gần đây đã tạo thêm cơ hội cho nhiều trẻ mầm non được đến trường. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT, hiện có khoảng 361 nghìn trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 5 được chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tăng hơn so với cùng kỳ năm học trước 32.000 trẻ, khoảng 15% tổng số trẻ học ở các cơ sở NCL.
Bà Phan Thị Thảo Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Các cơ sở giáo dục mầm non NCL trên địa bàn TP tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, các khu công nghiệp, nơi đông dân cư như Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông… Để bảo đảm quyền lợi, đặc biệt là sự an toàn về sức khỏe của trẻ, những năm qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp để tăng cường quản lý các cơ sở này.
Chủ trương của lãnh đạo TP là khuyến khích phát triển loại hình trường, hạn chế tổ chức các nhóm, lớp nhỏ lẻ (dưới 60 trẻ). Nhưng với ưu điểm hơn hẳn so với các trường công lập, như có thể gửi sớm, đón muộn, nên mặc dù cơ sở vật chất ở nhiều nơi tuềnh toàng nhưng nhiều lớp, nhóm trẻ tư thục vẫn tồn tại. Do nhận thức hạn chế, suy nghĩ đơn giản, vừa do hoàn cảnh bí bách nên nhiều cha mẹ đã "tạo điều kiện" cho các nhóm, lớp như thế hình thành, tồn tại, len lỏi khắp các khu dân cư. Đã có giai đoạn, Hà Nội gần như bất lực trước sự bùng phát của loại "cơ sở giáo dục" này. Các nhóm, lớp mầm non tư thục mọc lên "như nấm sau mưa", không thể kiểm soát nổi. Việc dẹp bỏ các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động "chui" hồi đó được một cán bộ quản lý ngành ví như "bắt cóc bỏ đĩa". Việc xử phạt, nếu có, cao nhất cũng chỉ là buộc yêu cầu đóng cửa. Nhưng rồi, khi cơ quan chức năng đi khỏi, họ lại trưng biển hiệu tiếp tục chiêu sinh, hoặc bị đóng nơi này thì mở nơi khác.
Ba năm trở lại đây, việc hạn chế tối đa các nhóm, lớp nuôi dạy trẻ không phép được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý giáo dục mầm non NCL của Hà Nội. Chỉ riêng năm 2008, đã có gần 400 cơ sở giáo dục mầm non "chui" bị đóng cửa. Tuy nhiên, mối lo về những rủi ro tại các cơ sở mầm non chưa đủ điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ vẫn còn hiện hữu, khi còn khoảng 20% trong số hơn 11.000 nhóm, lớp tư thục đang hoạt động chưa được cấp phép. Nếu không có biện pháp kịp thời, tỷ lệ này chắc chắn sẽ còn tăng hơn khi hệ thống các trường công lập chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu gửi con ngày càng cao của phụ huynh.
Khi chính quyền cơ sở làm ngơ
Trách nhiệm thuộc về chính quyền sở tại là điều đã được thể hiện rõ trong Quyết định số 41/2008/QĐ/BGD&ĐT ngày 25-7-2008 của Bộ GD-ĐT về quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục. Theo đó, UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm cấp phép thành lập cho các nhóm, lớp tư thục trên địa bàn. Lý thuyết là thế, nhưng không phải nơi nào cũng nhận thức rõ điều ấy để làm tới nơi tới chốn. Có nơi, việc thẩm định cấp phép chỉ làm cho có, ví như y tế chỉ kiểm tra bếp, không quan tâm đến những nơi tiềm ẩn rủi ro như phòng học, nhà vệ sinh; có nơi cấp phép xong bỏ đấy, hoặc không kiểm tra thường xuyên nên không kịp thời phát hiện những thiếu sót trong việc thực hiện quy chế chuyên môn của cơ sở... Cũng không hiếm lớp, nhóm hoạt động mà chính quyền không hề biết hoặc cố tình không biết.
Để tăng cường quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập, trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ trường mầm non ban hành ngày 30-12-2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm cấp phép hoạt động cho các cơ sở này. Như vậy, sau khi được chính quyền sở tại cấp phép thành lập, cơ sở giáo dục phải được phòng GD-ĐT thẩm định mới được hoạt động. Bà Phan Thị Thảo Hương nhận định: Với việc phân định trách nhiệm rõ ràng, chuyện giáo viên không có chuyên môn, nghiệp vụ vẫn đứng lớp, cơ sở vật chất xập xệ, đồ dùng, đồ chơi thiếu thốn, nội dung chương trình nghèo nàn, không đúng yêu cầu… sẽ bớt đi nhiều.
Dẫu đã có thừa quy định, nhưng để quản lý hiệu quả các cơ sở giáo dục mầm non NCL thì không thể thiếu khâu thực hiện. Ở đây, sự chung tay phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của nhiều lực lượng với "nhạc trưởng" là UBND cấp xã/phường/thị trấn (đối với việc quản lý nhóm, lớp) và cấp quận/huyện (với việc quản lý trường) là quan trọng nhất. Bởi chỉ có cấp gần dân nhất này mới nắm bắt và hiểu tường tận những gì đang diễn ra ở nhóm, lớp tư thục của dân và trong dân. Thực tế cũng đã chứng minh rằng, chỉ khi nào chính quyền dành cho việc quản lý mầm non NCL khoản kinh phí, thời gian và công sức tương xứng thì mới có thể hy vọng việc kiểm tra, phát hiện sai phạm không bị lệ thuộc vào những lý do "tế nhị" và tập trung cho mục tiêu lớn là quyền lợi và sự an toàn của trẻ.
Cần nhất tấm lòng với con trẻ |
- Một số chính sách đề nghị UBND TP xem xét để phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập: |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.