Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thưa “lưới” luật, trống chế tài

Bách Sen| 13/08/2013 06:29

(HNM) - Theo Viện KSND tối cao, thời gian gần đây, tội phạm bắt, giữ, giam người trái pháp luật đang gia tăng. Còn tội dùng nhục hình, bức cung có biểu hiện ngày càng tinh vi phức tạp. Thế nhưng, cả 3 tội danh này đều cùng chung cảnh khó xử vì quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ.

Gia tăng bắt người để đòi nợ

Phó Vụ trưởng Vụ 1A (Viện KSND tối cao) Vũ Việt Hùng cho biết, phần lớn nguyên nhân các vụ bắt, giữ người trái pháp luật khởi nguồn từ việc nợ nần hay trả thù cá nhân do mâu thuẫn trong sinh hoạt… Có cầu ắt có cung, xã hội đang hình thành nhiều băng ổ nhóm tội phạm do đối tượng có tiền án, tiền sự cầm đầu chuyên sử dụng vũ khí nóng, hung khí nguy hiểm hoạt động đòi nợ thuê thay cho cá nhân, doanh nghiệp... Giá của mỗi vụ thường từ 20 đến 30% trên tổng số nợ mà chủ nợ đòi được. Đối với những con nợ khó đòi, tỷ lệ này sẽ được nâng lên kịch khung là 50%.

Gần đây nhất, CATP Hà Nội đã khám phá vụ án cậu mợ hại cháu, khởi tố, bắt tạm giam Đỗ Thượng Hạnh, Nguyễn Đức Vũ (cùng ở huyện Thạch Thất) và Hà Đăng Nam (trú tại thị xã Sơn Tây) để điều tra về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, cướp tài sản. Theo lời khai ban đầu, đây là những đối tượng do vợ chồng Nguyễn Văn Định - Nguyễn Thị Thúy Hà ở thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ thuê đòi nợ 200 triệu đồng của cháu ruột là Vũ Đình Thông vay trước đó (tính cả lãi) với tỷ lệ thu về là 50/50 giữa bên cho vay và bên đòi nợ thuê. Do không có tiền trả, anh Thông bị đưa đến nhà Nam giam giữ và bị chúng dùng côn gỗ, vỏ chai rượu đánh đập, hành hạ. Sau đó, gia đình anh Thông mang 100 triệu đồng đến nộp và phải viết giấy vay nợ 100 triệu đồng.

Theo quy định hiện hành, bất kỳ người nào xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân thông qua hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, đều phải bị xử lý bằng chế tài hành chính hay hình sự. Thế nhưng, chế tài liên quan đến những tội danh này vẫn còn nhiều khoảng trống, nên việc giải quyết không đơn giản. Khó khăn từ khâu định tội, đến tuyên án. Trên thực tế, để giam giữ một người trái pháp luật thì hành vi trước tiên kẻ phạm tội phải thực hiện là dẫn đến nơi kín đáo. Vậy trường hợp này, xử lý kẻ phạm tội theo tội bắt hay giữ, hay giam người trái pháp luật là vấn đề nhiều thẩm phán loay hoay tự hỏi. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự không mô tả cụ thể thế nào là bắt, giữ, giam và chưa có giải thích, hướng dẫn cụ thể thời gian khống chế nạn nhân bao nhiêu lâu thì bị coi là bắt, giữ, giam.

Kết tội kẻ bắt giữ người trái pháp luật đơn thuần để đòi nợ đã khó, xử lý tội phạm này thông qua hoạt động xuất khẩu lao động càng không đơn giản. Từng có không ít nạn nhân bị lừa bắt, buộc phải bán dâm cho những kẻ ham vui để trả nợ nhưng không có bằng chứng chứng minh việc giao người nên các cơ quan tố tụng không xử lý được thủ phạm.

Còn nhiều bất cập

Cùng chung cảnh thiếu chế tài xử lý, nên lượng tin báo về tội dùng nhục hình và tội bức cung do nhân dân cung cấp ngày càng thưa dần. Tính từ năm 2006 đến 31-6-2013, cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao mới đủ cơ sở khởi tố 21 vụ/37 bị can về tội nhục hình, riêng tội bức cung chưa khởi tố vụ nào. Bởi theo Bộ luật Hình sự, tội bức cung đòi hỏi dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm là gây hậu quả nghiêm trọng nên rất khó khởi tố. Thậm chí, nếu chứng minh được cán bộ tư pháp hay điều tra viên có hành vi hứa hẹn, dụ dỗ, mớm cung, dẫn cung mà không chứng minh được có gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng chịu. Trong bối cảnh nước ta còn thiếu luật sư, quá trình lấy lời khai, hầu như chỉ có điều tra viên và bị can nên càng khó thu thập chứng cứ. Tương tự, đối với tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật" do cơ chế định rõ tội, các tình tiết định khung tăng nặng cũng chưa được giải thích, hướng dẫn nên chưa có trường hợp nào bị khởi tố điều tra trong vài năm trở lại đây.

Các bất cập trên cho thấy, để phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cần xác định cụ thể hơn về đặc điểm của hành vi bắt, giữ và giam người liên quan đến thời gian, không gian, địa điểm để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như tránh bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, cũng nên lắp camera theo dõi ở những nơi lấy lời khai của bị can. Khi có tố giác về hành vi dùng nhục hình, bức cung thì người có thẩm quyền có thể kiểm tra băng ghi hình để xác định rõ sự thật. Điều này tốt cho cả hai phía: Bị can không phải lo bị dùng nhục hình, bức cung mà điều tra viên cũng tránh được rủi ro là bị tố giác oan. Gỡ được hai nút thắt quan trọng trên cũng sẽ tránh được tình trạng quan điểm xét xử, truy tố của tòa án và ngành kiểm sát vênh nhau, hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần mà vẫn không định được tội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thưa “lưới” luật, trống chế tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.