Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thư viện như một thiết chế xã hội đáp ứng nhu cầu thông tin

Quỳnh Dương| 13/12/2019 15:46

(HNMCT) - Qua nhiều năm hình thành và phát triển, tài liệu trực tuyến đã trở thành nguồn lực trọng tâm, huyết mạch trong các thư viện điện tử, là nguồn tin được chú trọng đầu tư phát triển hàng đầu trong mọi loại hình thư viện. Nhận thức được vai trò của thư viện như một thiết chế xã hội đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu nghiên cứu và học tập, hầu hết các quốc gia phát triển đều có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới thư viện số ngày càng hiện đại.

Thư viện điện tử đang là xu hướng của tương lai.

Từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, việc số hóa trong thư viện đã được triển khai song song với sự phát triển công nghệ thông tin. Ban đầu, ứng dụng máy tính trong lĩnh vực này chỉ để tạo ra các thư mục nhằm phân phối dữ liệu dưới dạng số. Những năm 1980, các hệ thống quản lý thư viện tích hợp ra đời, cho phép xử lý đồng bộ hệ thống quản lý tư liệu truyền thống như theo dõi đơn đặt, đăng ký tài liệu cho bạn đọc và theo dõi việc cho mượn tài liệu. Nhưng phải đến những năm 1990, khi công nghệ internet hình thành và phát triển, tài liệu trực tuyến và thư viện điện tử mới thực sự bùng nổ.

Sự ra đời của thư viện điện tử đã góp phần thỏa mãn nhu cầu đọc và nghiên cứu của nhiều người vào bất cứ lúc nào và ở đâu. Để đáp ứng xu thế này, các cơ quan thông tin - thư viện đã nhanh chóng đẩy mạnh số hóa các tài liệu truyền thống bằng cách: Quét chụp lại thông tin, bổ sung nguồn tài liệu trực tuyến thông qua mua, trao đổi, xây dựng các liên kết đến nguồn tài liệu trên internet. Mỹ và Anh được cho là hai quốc gia tiên phong trong nghiên cứu, tạo dựng nguồn tài liệu trực tuyến và triển khai thư viện điện tử. Các dự án có tên Sáng kiến thư viện số giai đoạn 1994 - 2004 tại Mỹ, Chương trình thư viện điện tử giai đoạn 1995 - 2000 tại Anh... được đánh giá có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới xu hướng nghiên cứu, phát triển nguồn tài liệu trực tuyến và thư viện số trên thế giới sau này. Kết quả của những dự án nói trên là việc hàng loạt bộ sưu tập tài liệu trực tuyến đã được tạo lập và cập nhật tới các thư viện lớn tại Mỹ và Anh.

Tại Thư viện Quốc hội Mỹ - thư viện lớn nhất theo diện tích để sách và một trong những thư viện quan trọng nhất trên thế giới, kho tư liệu gồm hơn 30 triệu cuốn sách và các tài liệu in ấn khác được viết bằng 470 thứ tiếng; hơn 61 triệu bản thảo viết tay; bộ sưu tập các cuốn sách hiếm lớn nhất Bắc Mỹ, hơn 1 triệu ấn bản các văn kiện của Chính phủ Hoa Kỳ; 1 triệu ấn bản báo chí thế giới trong suốt 3 thế kỷ qua; 2,7 triệu bản ghi âm, hơn 13,7 triệu hình in và chụp bao gồm các tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng, các bản vẽ kiến trúc... Cuối tháng 11-2005, Thư viện công bố đề án thành lập Thư viện số thế giới, sử dụng kỹ thuật số lưu trữ sách và các tư liệu khác từ tất cả các nền văn hóa của nhân loại. Nhờ sử dụng các thành tựu kỹ thuật mới và công nghệ internet, Thư viện Quốc hội Mỹ đã có thể kết nối với các thiết chế giáo dục trên khắp cả nước.

Tại Thư viện Quốc gia Anh, dịch vụ phổ biến tài liệu điện tử bắt đầu triển khai từ năm 2003 sau khi hợp tác với tập đoàn phần mềm Microsoft để số hóa nhằm tạo lập một bộ sưu tập được phép truy cập trực tuyến. Hiện tại, Thư viện Quốc gia Anh có thể cung cấp tới hơn 100 triệu tài liệu (bao gồm 280.000 tạp chí, 50 triệu bằng sáng chế, 5 triệu báo cáo, 476.000 luận án Mỹ và 433.000 kỷ yếu hội nghị) cho các nhà nghiên cứu và người đọc trên toàn thế giới mà trước đây không thể thực hiện được. Ngoài ra, Thư viện cũng đã đưa hình ảnh của một số lượng lớn tài liệu quý hiếm (30.000 hình ảnh) trong bộ sưu tập lên mạng tạo thành một Phòng triển lãm trực tuyến. Theo chỉ thị của Chính phủ, Thư viện Anh phải chịu một tỷ lệ nhất định ngân sách hoạt động bằng việc thu phí của người sử dụng một số dịch vụ đặc biệt.

Hiện nay, các nước trên thế giới đều nhận thức được vai trò của thư viện như một thiết chế xã hội đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu nghiên cứu và học tập, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao dân trí. Theo thời gian, các thư viện công cộng sẽ tiến tới trở thành các trung tâm văn hóa cộng đồng, là nơi truy cập internet - một mắt xích của chính phủ điện tử. Để làm được điều này, xu hướng thực tiễn trong tổ chức và phát triển thư viện là lấy người sử dụng làm trung tâm.

Cán bộ thư viện được đào tạo chuyên nghiệp, luôn được cập nhật kiến thức và các kỹ năng sử dụng công nghệ mới, tiến tới trở thành những người hướng dẫn cho bạn đọc trong các dịch vụ. Bên cạnh đó là việc thiết kế xây dựng thư viện phù hợp với dây chuyền xử lý và phục vụ trong môi trường hiện đại và số hóa. Ngoài công nghệ, vai trò của tiêu chuẩn hóa không thể thiếu được trong việc phát triển thư viện theo hướng đồng nhất, đồng bộ, liên tác, hợp tác và hội nhập trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia. Một điều đáng quan tâm nữa là, để bảo đảm sự vận hành thông suốt, các quốc gia đều chú trọng xây dựng các khung pháp lý từ các quy định, nghị định, pháp lệnh đến luật để bảo vệ hoạt động của Thư viện quốc gia. Thông thường, Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục là các cơ quan chủ chốt quản lý và chỉ đạo hoạt động của thư viện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thư viện như một thiết chế xã hội đáp ứng nhu cầu thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.