Việt Nam chưa có thư viện chữ nổi, trong khi cả nước có trên 600.000 người khiếm thị và tổ chức Hội Người mù đã có chi nhánh ở 43/64 tỉnh, thành phố với 45.000 hội viên. Nhưng nhờ sự nỗ lực của Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người khiếm thị (PHCN KT) và những người bạn Nhật hảo tâm, một thư viện chữ nổi đã hình thành...
Câu chuyện bắt đầu từ chuyến công tác tại Nhật Bản của các cán bộ Trung tâm Đào tạo PHCN KT và Hội Quốc tế ngữ Việt Nam (VEA)... Khi đến thăm và được chứng kiến trang thiết bị hiện đại tại Thư viện chữ nổi, trường khiếm thị Bunkyou, xưởng in tài liệu cho người khiếm thị (Zasounokai) và Trung tâm ánh sáng ở Yokohama, Kanagawa (Nhật Bản), đoàn cán bộ đã có đềxuất các biện pháp hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ từ phía Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình, tổ chức phi chính phủ Minzoku Forum Nhật Bản. Tháng 2-2001, ông Kumakiu Hideo, Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình Nhật Bản cùng đại diện của xưởng in Zasounokai và tổ chức Minzoku Forum đưa ra đề xuất với JICA (cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) trợ giúp hỗ trợ thành lập Thư viện chữ nổi ở Việt Nam và được chấp thuận tài trợ. Những người Nhật có tấm lòng nhân ái này đã tìm tới Việt Nam thăm Trung tâm Đào tạo PHCN KT và Chi hội Người mù tại các tỉnh, thành.
Tháng 10 năm 2003, Hội Người mù Việt Nam và VEA ký kết văn bản dự án thành lập thư viện chữ nổi tại Trung tâm Đào tạo PHCN KT với trị giá 10 triệu yên Nhật. Tiếp đó, liên tục trong hai năm 2003 và 2004, ông Kumaki và các chuyên gia Nhật Bản đã nhiệt tình trực tiếp tổ chức hội thảo, hỗ trợ về kỹ thuật, trang thiết bị và đào tạo 6 cán bộ, nhân viên người Việt Nam để vận hành thư viện (trong đó có 4 người khiếm thị và 2 người sáng mắt). Thư viện mới có chức năng chính là xây dựng bộ sách chữ nổi, ghi âm băng tiếng cho độc giả khiếm thị có thể tham khảo tại chỗ, đồng thời biên soạn, biên tập và in các loại sách giáo khoa, tài liệu khác với hình thức chữ nổi phù hợp với cách giáo dục và tiếp nhận tiến bộ cho người khiếm thị. Sau nhiều lần thử nghiệm, tháng 5 năm 2004, cuốn sách giáo khoa đầu tiên đã được các nhân viên thư viện hoàn thành với chất lượng tốt.
Cuối tháng 9-2004, thư viện tổ chức khai trương và đã in ấn bằng chữ nổi được trên 500 cuốn sách với trên 40.000 trang in, gồm các đầu sách giáo khoa tiếng Việt, tiếng Anh, sách dạy xoa bóp bấm huyệt, phục hồi chức năng... Từ đây các học viên, cán bộ cũng như người khiếm thị nói chung đã có cơ hội tìm tới một địa chỉ tin cậy để tham khảo những ấnphẩm chuyên dụng cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu và giải trí.
Ông Kumiko Hideo cho biết, theo kế hoạch, năm thứ nhất của dự án, ngoài việc in sách chữ nổi tiếng Việt, tiếng Anh và ghi âm băng tiếng, trung tâm sẽ đào tạo nhân viên chuyên viết chữ nổi, đọc sách, sửa bản in, và cố gắng nâng cấp, trang bị phần mềm đọc tiếng Việtcùng máy hiện chữ nổi để người khiếm thị có thể đánh trên máy vi tính. Giai đoạn 2 dự án sẽ in các lại sách toán, triết học, kỹ thuật, trang bị máyphóng đại chữ và ảnh để dùng cho người kém mắt. Chuẩn bị phòng ghi âm theo yêu cầu. Đào tạo kỹ thuật viên mới làm nhiệm vụ hướng dẫn người khiếm thị cách sử dụng máy vi tính và gửi thanh niên sang Nhật học kỹ thuật mới.
Trong quá trình phát triển dự án thư viện chữ nổi, có một vấn đề nan giải đặt ra là làm thế nào có nhiều giấy để in sách. Theo tính toán của ông Kumaki Hideo thì để in một cuốn từ điển nhỏ dày hơn 1.000 trang với số lượng 200 bản cần tới 20.000 tờ giấy thường khổ A4. Giấy in sách chữ nổi phải nhập từ nước ngoài, chi phí lớn. Chính vì vậy giải pháp được dùng giấy được sản xuất từ thân cây chuối là một trong những biện pháp được ông Kumiko và nhiều chuyên gia đề xuất hưởng ứng.
Hiện Việt Nam đang đứng thứ 22 trong số khoảng 130 nước trồng chuối trên thế giới. Theo điều tra của Liên hợp quốc, năm 1999, Việt Nam sản xuất được gần 1.270.000 tấn quả. Với sản lượng đó, lượng thân chuối có thể lấy được 100.000 tấn tơ, đủ nguyên liệu cho các nhà máy giấy hiện đại sản xuất trong nhiều năm. Việc sản xuất giấy từ tơ chuối đã được giáo sư Morishima Hiroshi, Khoa Nghệ thuật và Kỹ thuật ĐH Nagoya (Nhật Bản) tìm ra và thí nghiệm sản xuất lần đầu tiên ở Haiti, Trung Mỹ vào năm 1998. ở Nhật và một số nước có ngành giấy phát triển, người ta đã sản xuất được giấy chất lượng tốt, thậm chí còn để dệt vải may quần áo. Việc sản xuất tơ chuối cũng sẽ tạo thêm việc làm, thu nhập cho người nông dân.
Cũng theo tính toán sơ bộ của ông Kumaki, để mở xưởng thí nghiệm, nơi lấy tơ chuối và làm giấy, cần có 10 triệu yên. Sẽ cần xây dựng hai xưởng thí nghiệm và khochứa giấy phục vụ trên 5 kỹ thuật viên làm việc trong 6 tháng. Việc mở rộng xưởng thí nghiệm sẽ cần từ 3 đến 4 năm và cần 40 triệu yên và 50 công nhân. Đã 3 năm lăn lộn cùng các dự án nhân đạo ở Việt Nam, với tâm huyết của mình, ông Kumiko (đồng thời cũng là Phó chủ tịch Hội hợp tác quốc tế làm giấy chuối) đang mong muốn nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan cho một dự án nhân đạo giúp đỡ người khiếm thị có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.