Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thu vàng” sẽ được chiếu mở màn LHP tài liệu quốc tế lần 3 tại Hà Nội

Tuyết Minh| 11/06/2011 18:15

(HNMO)- Tối 11/6, tại Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) trình chiếu bộ phim tài liệu mang tên “Thu vàng” của điện ảnh Đức. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan Phim Tài liệu Quốc tế lần thứ 3 tại Việt Nam.

Cảnh trong phim “Thu vàng”

Lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng của nhà làm phim tài liệu người Chi-lê Patricio Guzman "Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình thiếu album ảnh", Liên hoan phim tài liệu Quốc tế lần thứ 3 bao gồm 7 nước Châu Âu hợp tác với Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW Việt Nam trình chiếu cho khán giả Việt Nam ở Hà Nội và TP HCM những thước phim tài liệu hồi hộp và hấp dẫn.

Bộ phim “Thu vàng” miêu tả rất ấn tượng 5 vận động viên, tuổi từ 80 đến 100, tham gia Thế vận hội thể thao hạng nhẹ cho người cao tuổi tại Lahti (Phần Lan). Huy chương vàng là mục tiêu trong cuộc thi đua tài đua sức của các vận động viên cao tuổi này.

Alfred là vận động viên ném đĩa. Và ông đã 100 tuổi. Ông nói về tham vọng thể thao của mình như một nỗi khát khao: “Tôi không thích giải nhì. Tôi thích giải nhất hơn”. Nửa năm trước khi Thế vận hội thể thao diễn ra, vận động viên lão thành người Áo này phải thay khớp gối nhân tạo. Liệu ông có đủ sức khỏe tham gia thi đấu được không?

Đạo diễn Jan Tenhaven kể câu chuyện có thực về 5 vận động viên hạng nhẹ tuổi cao với niềm lạc quan và quyết tâm chiến thắng cao. Với tham vọng và đồng thời tự giễu, họ thách thức cuộc chiến với chính cuộc sống mong manh của họ. Bộ phim dài 94 phút về các vận động viên lão thành được thực hiện để dành tặng cho một nhóm người mà bình thường họ không nhận được nhiều sự quan tâm lắm. Phim kể về người thắng và thua, về thành công và thất bại: Thu vàng là một bộ phim dành tặng cho người cao tuổi.

Cảnh trong phim “Chuyện của mọi nhà”

Sau phim “Thu vàng”, BTC sẽ trình chiếu 1 bộ phim của Việt Nam với tựa đề “Chuyện của mọi nhà”. Bộ phim nói về trong mọi gia đình người Việt truyền thống, những người cao tuổi luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu. Họ hết lòng chăm lo cho con rồi đến cho con cháu. Họ luôn được kính trọng vì sự hy sinh suốt đời của mình như vậy.

Cuộc sống đã thay đổi, nền kinh tế Việt Nam phát triển đã làm đảo lộn trật tự vốn có trong mọi nhà. Người cao tuổi Việt Nam phải cân nhắc giữa cách sống ba, bốn thế hệ trong một mái nhà với cuộc sống mà những năm cuối đời trong “nhà dưỡng lão”- nơi đó có đầy đủ sự chăm sóc cuả những người xa lạ nhưng thiếu hơi ấm cuả một mái nhà Việt Nam truyền thống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thu vàng” sẽ được chiếu mở màn LHP tài liệu quốc tế lần 3 tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.