Tối 11/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập-phát triển” và trao cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập-phát triển” và trao cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tới dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Mong các doanh nghiệp khát khao làm giàu văn minh
Thủ tướng khẳng định: Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia. Ở nhiều nước trên thế giới có những doanh nghiệp lớn trở thành biểu tượng và niềm tự hào cho cả quốc gia. Việt Nam cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu mang thương hiệu Việt đến với thế giới. Hiện Việt Nam có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, riêng 9 tháng qua có hơn 91.000 doanh nghiệp mới thành lập.
Thủ tướng nói: “Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh. Chúng ta phải phấn đấu để đến năm 2020 cả nước có trên một triệu doanh nghiệp và không chỉ tăng lên về số lượng, mà chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ”.
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển với trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt.
Ngày nay quốc gia nào có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì quốc gia đó thu được nhiều lợi ích trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt nhịp được những chuẩn mực khu vực và quốc tế, đòi hỏi doanh nhân phải năng động, sáng tạo, có kiến thức và dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng có những khát khao như vậy, nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng”. Chủ trương của Chính phủ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, hình thành được các sản phẩm, các thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa cho các doanh nhân tiêu biểu Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thường xuyên lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp
“Để cụ thể hóa chủ trương này của Chính phủ, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện ‘3 đồng hành, 5 hỗ trợ’ đối với doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.
Ba đồng hành là: Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; Đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; Đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được Thủ tướng lắng nghe thường xuyên.
Năm hỗ trợ là: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; Hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và hội nhập, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương và hội đồng thi đua khen thưởng các cấp tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh, nhân rộng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội.
Thủ tướng kêu gọi mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh trí tuệ, tập hợp sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho chính mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Doanh nghiệp nhận ngọn lửa khởi nghiệp từ Thủ tướng
“Chúng tôi hứa sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước mà Thủ tướng đã giao là phải đoàn kết, hợp tác, đổi mới, sáng tạo, phải tuân thủ luật pháp, phải liêm chính, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, cam kết. "Bốn nhiệm vụ này như là bốn trụ cột của ngôi nhà doanh nghiệp. Bốn động cơ để đoàn tàu doanh nghiệp Việt Nam vững tiến tới mục tiêu đất nước có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020”.
Trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ" với cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ tin tưởng Thủ tướng sẽ quyết liệt, Chính phủ sẽ đồng hành và doanh nghiệp phải tiến lên.
Với sự quan tâm của Thủ tướng, Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, năm 2016 sẽ là năm đầu tiên mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, theo đề xuất của VCCI, Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, một tổ chức có các thành viên từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã bình chọn và quyết định trao giải thưởng quốc gia khởi nghiệp năm 2016 cho Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam mà Thủ tướng và Chính phủ là người thắp lửa. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng việc truyền ngọn lửa này tới mọi cấp chính quyền để sức nóng, sự thôi thúc của cải cách đến được chị văn thư, anh bảo vệ ở chốn công quyền, nơi cơ sở là không dễ dàng.
“Chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp VN nhận thức sâu sắc rằng tạo việc làm cho người lao động là sứ mệnh cao cả của mình trước Tổ quốc. Chúng tôi rất mong cả hệ thống chính trị sẽ hậu thuẫn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh này”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Ông Vũ Tiến Lộc gửi đến Thủ tướng một kiến nghị: Lấy tiêu chí giải quyết công ăn việc làm là chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đóng góp của doanh nhân đối với đất nước, để có thể phong cho họ các danh hiệu dũng sĩ, anh hùng. Nếu doanh nghiệp tạo được 10 việc làm đàng hoàng cho người lao động thì cấp xã nên ghi nhận, nếu tạo 100 việc làm thì cấp huyện tôn vinh, 1.000 việc làm thì tỉnh tôn vinh, ghi nhận. Tạo 10.000 việc làm đàng hoàng thì Thủ tướng và Chính phủ tôn vinh họ là những dũng sĩ, anh hùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.