Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ giải trình

Hồng Hải - Triệu Hoa| 14/11/2012 08:12

(HNMO) - Sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, PTT Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình trước QH, trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có bản giải trình về các vấn đề mà cử tri cả nước và các ĐBQH cùng quan tâm.

(HNMO) - Sáng nay (14/11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình trước Quốc hội về vấn đề y đức, giá thuốc, vệ sinh an toàn thực phẩm... trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bản giải trình về các vấn đề mà cử tri cả nước và các ĐB QH cùng quan tâm.

»Toàn văn Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng

* Giải trình củaBộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

Về y đức, Bộ trưởng cho biết: dù “văn hóa” phong bì “bôi trơn” ở nước ta khá phổ biến, nhưng đối với ngành y tế, dù chỉ ở vị trí nhân viên hành chính, là hình ảnh khó chấp nhận. Nhiều cử tri đã phản ánh nếu đưa cho các nhân viên y tế phong bì thì được tiêm chích, thay băng, thay bông vui vẻ. Còn nếu không thì họ mặt lạnh như tiền. Hoặc trong xếp hàng khám chữa bệnh, bệnh nhân nào cho 50.000 đồng vào cuốn sổ, nhân viên hành chính xếp vào trước. Các thầy thuốc nhận hoa hồng của các hãng dược, ghi biệt dược đắt tiền, không cần thiết cho bệnh nhân. Điều này chúng tôi nhìn thấy rõ ràng và mặc dù không phải hiện tượng phổ biến, nhưng “con sâu làm rầu nồi canh” nó vẫn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.


Thời gian qua, ngành y tế đau lòng trước nhiều tai biến sản khoa, làm nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh chết. Theo định nghĩa chung, tai biến y khoa là những tai biến chuyên môn xảy ra ngoài mong muốn của cán bộ y tế, do quá trình chuyên môn và bệnh lý gây ra. Riêng về tai biến sản khoa  xảy ra thường trực ở mọi nơi, mọi lúc, với mọi người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở các nước phát triển, tai biến sản khoa vẫn xảy ra với tỷ lệ ít nhất là 15%.

Về nguyên nhân số thai phụ tử vong trong thời gian qua tăng lên, Bộ trưởng lý giải do tỷ lệ sinh vào năm Nhâm Thìn tăng lên bất thường (trên 15% với hơn 100.000 trường hợp sinh). Các bệnh viện, cơ sở y tế quá tải từ tuyến dưới lên tuyến trên. Về nguyên nhân trực tiếp có phần do năng lực chuyên môn, năng lực cán bộ y tế còn hạn chế.

"Dù là nguyên nhân nào thì chúng tôi cũng chia sẻ với gia đình xảy ra tai biến" - Bộ trưởng nhấn mạnh. Như trường hợp cắt nhầm thận tại Cần Thơ, hiện nay bệnh nhân đã  được ghép 2 thận, trở về với cuộc sống bình thường. Với các trường hợp khác, Bộ đều yêu cầu xử lý hành chính, phê bình, kỷ luật nghiêm khắc các cán bộ y tế có liên quan.

Về giá thuốc: trả lời câu hỏi của đại biểu rằng bao giờ người Việt Nam được dùng thuốc có mặt bằng giá bằng các nước trong khu vực? Bộ trưởng khẳng định: giá thuốc ở Việt Nam không cao hơn các nước xung quanh. Cụ thể, những đoàn khảo sát của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban các vấn đề xã hội của QH tại Trung Quốc, Thái Lan cho thấy giá thuốc của họ cao gấp từ 2-3 lần so với Việt Nam chúng ta.

Bộ trưởng cũng cho biết: đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng giá thuốc ở VN cao gấp 40 lần so với giá thế giới là do hiểu nhầm. Điều này đã được WHO đính chính. Hiệp hội Dược Việt Nam cũng đã lấy 3.000 mẫu đánh giá và khẳng định giá thuốc Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực...

* Giải trình của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.


Về vệ sinh an toàn thực phẩm
: Phó Thủ tướng đã có báo cáo ngắn về vấn đề này. Theo đó sau 2 năm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương phải có quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc. Ở phía Nam, hầu hết các tỉnh có quy hoạch tốt, 80% thực phẩm được kiểm soát được an toàn. Các tỉnh phía Bắc chưa thực hiện tốt, do đó yêu cầu trước ngày 31/1/2013 phải làm xong quy hoạch.

Vấn đề ngộ độc thực phẩm hiện tập trung ở các khu công nghiệp, chủ yếu ở các bếp ăn tập thể. Ban chỉ đạo VSATTP đã chỉ đạo các tỉnh, TP như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… tăng cường kiểm tra bếp ăn tập thể. Hiện đang hình thành xu hướng các doanh nghiệp có lượng công nhân nhất định phải có bếp ăn của riêng mình, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm.

Vấn đề rau sạch hiện đang gây bức xúc với người tiêu dùng. Các địa phương đều biết nhiều hộ trồng rau bán nhưng không ăn nhưng chưa có biện pháp xử lý. Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đang xây dựng đề án để mỗi xã thực hiện cam kết không trồng rau không an toàn và giao trách nhiệm quản lý cho cấp xã. Đề án sẽ được triển khai trong năm 2013.

Về vấn đề gà nhập lậu: theo Phó Thủ tướng, gà nhập lậu đã và đang gây ra 5 tác hại nguy hiểm. Thứ nhất, đã nhập lậu thì không đóng thuế, gây tổn hại cho nền kinh tế; Việc mua bán phải trả bằng ngoại tệ, gây thâm hụt ngoại tệ; gà nhập lậu khiến gà trong nước không tiêu thụ được; ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu thụ vì số gà này mang virus cúm gia cầm. Do vậy, Chính phủ đang xây dựng đề án từ nay đến hết năm 2013 tập trung ngăn chặn gà nhập lậu vào nước ta. Hà Nội là địa phương cần đi đầu để người dân Hà Nội không phải ăn gà nhập lậu nữa.

Qua phân tích, chúng ta có thể làm được điều này - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Trước hết, chúng ta phải xác định tác hại lâu dài của việc gà nhập lậu. Ngay cả các ĐB QH cũng cần gương mẫu trong việc không ăn gà nhập lậu để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình.

Theo đánh giá của PTT, hiện cả nước có không quá 20 hộ kinh doanh gà nhập lậu. Các cơ quan chức năng sẽ làm việc với các chủ hộ này, yêu cầu họ phải chuyển đổi ngành nghề, nếu không sẽ bị xử lý. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát các phương tiện chở gà nhập lậu, điểm tập kết gà và yêu cầu các cấp xã không tiếp tay “nội địa hóa” cho gà nhập lậu… Với quyết tâm như vậy, từ nay đến Tết, bữa ăn người dân cơ bản khắc phục được.

* Giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.


Thủ tướng đã có báo cáo giải trình thêm về một số nội dung mà nhiều ĐB QH và đồng bào cả nước quan tâm, chất vấn. Đây cũng là những công việc mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới về tình hình kinh tế - xã hội và những chỉ đạo điều hành những tháng cuối năm.

Đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2012. Trong tháng 10 và nửa đầu tháng tháng 11, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,85%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của tháng 9; 10 tháng tăng 6,02%. Thu ngân sách 10 tháng đạt 76,2%, chi ngân sách đạt 78,8% dự toán; xuất khẩu 10 tháng tăng 18,4%; nhập khẩu tăng 6,8%. Cán cân thanh toán tiếp tục được cải thiện; dự trữ ngoại hối tăng…

Văn hóa xã hội tiếp tục có chuyển biến; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại đạt kết quả tích cực. Những kết quả nêu trên đã tạo thêm thuận lợi để chúng ta phấn đấu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo QH tại phiên khai mạc kỳ họp.

Tuy nhiên - cũng theo Thủ tướng - bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Đất nước đang phải đương đầu với nhiều thách thức: Kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát chưa vững chắc, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tổng cầu giảm, tồn kho lớn, nợ xấu còn cao. Nếu không được giải quyết có hiệu quả nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái trì trệ, tác động tiêu cực giải quyết việc làm, đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại còn nhiều vấn đề phải quan tâm và phải dành thêm nguồn lực để giải quyết.

Bối cảnh nêu trên đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phát huy những lợi thế và kết qủa đạt được, kiên định các giải pháp đúng và đang phát huy hiệu quả, đồng thời theo sát tình hình chỉ đạo quyết liệt, hành động khẩn trương, kịp thời xử lý những khó khăn thách thức mới, phấn đấu hòan thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2012 và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2013.

Trong đó tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, quản lý thu chi ngân sách chặt chẽ và triệt để thực hành tiết kiệm; loại bỏ các khoản chi chưa cấp bách, hạn chế đi công tác nước ngoài, giảm hội họp, dành thời gian chỉ đạo, kiểm tra, thực thi nhiệm vụ; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chủ động cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu và các hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, không để biến động lớn về thị trường giá cả; thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Về chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; kiên trì các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo đột phá trong giải quyết khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và bảo đảm tăng trưởng; chỉ đạo xây dựng kế hoạch chương trình hành động thiết thực, cụ thể. Đặc biệt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đã nêu ra một số nhiệm vụ mà Chính phủ sẽ tập trung thực hiện, trong đó chú trọng giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Thủ tướng nhận định: “Tồn kho cao, nợ xấu lớn trong điều kiện tổng cầu giảm đang là những nút thắt của nền kinh tế. Nhiều ĐB đã bày tỏ lo lắng về thực trạng này. Chính phủ đã nhận thức rõ điều đó. Nghị quyết 13 năm 2012 của Chính phủ tuy có những tác động tích cực nhưng chưa đủ mức. Cần có những giải pháp mạnh hơn về cơ chế chính sách và nguồn lực theo quan điểm là trong giới hạn của tổng nguồn phải phân bổ và phân kỳ đầu tư hợp lý nhất để nền kinh tế vượt qua sức ỳ, ra khỏi khó khăn, tạo đà đi lên.

Chính phủ sẽ tập trung vào các giải pháp sau: giải quyết hàng tồn kho, tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, mở rộng tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng, tăng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các công trình trong kế hoạch đầu tư năm 2012, sẽ phân bổ ngay vốn và đẩy nhanh tiến độ các dự án trong kế hoạch 2013, tập trung cho những dự án tạo sức lan tỏa lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá cho học sinh sinh viên.

 Tất cả những giải pháp nêu trên đều cần có nguồn lực tài chính, đòi hỏi tăng cường công tác chống thất thu. Và điều đặc biệt quan trọng là thực hành tiết kiệm. Chính phủ sẽ quy định chặt chẽ hơn việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Về về xử lý nợ xấu, hiện là yêu cầu cấp bách, cần thực hiện khẩn trương, quyết liệt nhưng phải có lộ trình phù hợp, quy trình chặt chẽ.

* Phần Thủ tướng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội:

Sang phần chất vấn, ĐB Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu câu hỏi đầu tiên: “Thủ tướng cho biết một cách cụ thể Chính phủ có giải pháp cơ bản nào để giúp DN vượt qua khó khăn?”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động nặng nề, tiêu cực vào nền kinh tế nước ta, Chính phủ luôn theo sát, thấu hiểu và hết sức lo lắng, chia sẻ với DN để mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh. Đây không chỉ là lợi ích của DN mà là lợi ích của cả nền kinh tế, của đất nước.

Chính phủ đã đề ra, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và cũng đã có kết quả nhất định. Thứ nhất, Chính phủ tập trung chỉ đạo để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt quan tâm kiềm chế lạm phát, không để lạm phát cao trở lại. Bởi nếu lạm phát cao, dẫn tới lãi suất cao, tỷ giá biến động, giá trị đồng tiền VN sụt giảm, chi phí sản xuất kinh doanh tăng lên, dẫn đến hoạt động của DN là hết sức khó khăn.

Ổn định kinh tế vĩ mô cũng là phải duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế, giữ mức tăng tổng cầu hợp lý, bao gồm cả tăng dư nợ tín dụng và tăng đầu tư; từng bước bảo đảm hợp lý cán cân thanh toán, khuyến khích xuất hàng xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhóm giải pháp thứ hai là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình nền kinh tế, triển khai thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá. VD: Triển khai tái cơ cấu đầu tư công, tập trung tái cơ cấu DN Nhà nước, trong đó trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước, hệ thống các ngân hàng thương mại; thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Thứ ba, Chính phủ coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu, giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản. Thứ tư, cải cách hành chính, về thuế, về phí, về tiếp cận nguồn vốn, thủ tục của hoạt động DN nhà nước.

Một số ĐB khác cũng có chung nội dung chất vấn như của ĐB Đặng Thị Mỹ Hương, đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có biện pháp gì để khắc phục những hạn chế, yếu kém mà Thủ tướng đã nhận trách nhiệm, xin lỗi trước QH, trước toàn Đảng, toàn dân?

Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ về tất cả những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó có việc yếu kém, khuyết điểm về giám sát, kiểm tra hoạt động của DN nhà nước, các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước.

Trên tinh thần nghiêm túc đó, Chính phủ đã nỗ lực phấn đấu hết mình để khắc phục yếu kém, khuyết điểm thông qua triển khai thực hiện đồng bộ 7 nhiệm vụ giải pháp như nâng cao năng lực và chất lượng trong xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế luật pháp; nâng cao hiệu lực hiệu quả trong thực thi thể chế, cơ chế luật pháp; Tăng cường nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đánh giá tình hình; Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý trong xây dựng các quy hoạch sát với thực tế; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thanh tra, kiểm tra giám sát khắc phục hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy hành chính của các cấp với tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Đề cao trách nhiệm, nâng cao đạo đức, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu các cấp trong thực thi công vụ, thực thi chức trách nhiệm vụ trước dân; Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ, tốt trách nhiệm của tập thể; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nghiêm túc lắng nghe ý kiến của nhân dân trong thực thi, hoạch định chính sách.

Trả lời câu hỏi của ĐB Dương Trung Quốc về văn hóa từ chức, Thủ tướng cho biết: gần suốt cả cuộc đời mình, ông đã theo Đảng, hoạt động cách mạng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng: “Trong suốt 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác tôi cũng không từ chối, thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó. Và là một cán bộ, đảng viên, tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình. Đảng, Bộ Chính trị, BCH TƯ đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, phẩm chất đạo đức, năng lực khả năng, sức khỏe thương tật cũng như tâm tư nguyện vọng. Đảng hiểu rất rõ về tôi, quyết định phân công tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội cũng đã bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ. Tôi sẵn sàng chấp hành và sẽ tiếp tục thực hiện, nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong 51 năm qua” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

“Giải pháp nào quyết định nhất, đột phá nhất? Động lực nào cơ bản nhất, bao trùm nhất để có thể chuyển đổi thành công việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới toàn diện đất nước?” – Trả lời nội dung chất vấn này, theo Thủ tướng Chính phủ, không có cách nào khác là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; quán triệt và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, đồng thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong đó đặc biệt quán triệt và triển khai có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ giải pháp để phát triển nhanh, bền vững mà Nghị quyết Đại Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Ngoài ra, một giải pháp có ý nghĩa quyết định nữa là thực hành dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm và chăm lo lợi ích của nhân dân, tạo sự đồng thuận của xã hội.

Kết thúc phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ cũng dành thời gian trả lời về những phát sinh xung quanh các dự án thủy điện hiện nay. Thủ tướng khẳng định thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, tiềm năng lớn của đất nước ta. Trong thời gian qua, thủy điện đã đóng góp cho tổng sản lượng điện cả nước là 41%; công suất phát điện là 47%.

Trong chủ trương khai thác, xây dựng thủy điện, Chính phủ đề ra trước hết phải bảo đảm yêu cầu về an toàn hồ đập, tính mạng của nhân dân. Dự án thủy điện dù hiệu quả tới đâu nhưng không đáp ứng yêu cầu này thì không làm; bảo đảm chủ trương di dân, tái định cư để người dân có đời sống tốt hơn đồng thời không tác động lớn, xâu đến môi trường sống.

Trên tinh thần đó, các cơ quan chức năng đã nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong lập dự án, thẩm định và thi công xây dựng cho tới vận hành, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng đã nảy sinh mặt khiếm khuyết, bất cập. Chính phủ kiên quyết dự án nào không đáp ứng được các yêu cầu trên thì loại bỏ ra khỏi quy hoạch.

Về Thủy điện sông Tranh 2, theo báo cáo của các Bộ, ngành, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý Địa cầu, các đơn vị tư vấn, giám sát trong và ngoài nước đến thời điểm này đều khẳng định là đã an toàn. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, bảo đảm an toàn cao nhất cho tính mạng nhân dân, Thủ tướng vẫn yêu cầu chưa tích nước để phát điện trong mùa lũ này. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan được giao trách nhiệm thường xuyên túc trực, theo dõi mọi diễn biến của động đất, kịp thời tính toán phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời công bố công khai, thường xuyên đầy đủ thông tin cho nhân dân được biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ giải trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.