Thủ tướng Tunisia Mohamed Ghannouchi ngày 27/1 đã chỉ định các nhân vật độc lập vào ba vị trí chủ chốt trong chính phủ lâm thời, cách chức năm bộ trưởng thuộc Đảng Tập hợp Dân chủ Lập hiến (RCD) của Tổng thống bị lật đổ Ben Ali.
Thủ tướng Tunisia, Mohamed Ghannouchi. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Động thái này được xem là nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình mạnh mẽ đòi cách chức toàn bộ các thành viên nội các là đảng viên của RCD.
Nội các mới gồm 21 thành viên. Thủ tướng Gannusi, từng là Thủ tướng trong chính phủ dưới thời Tổng thống bị lật đổ Ben Ali, vẫn tiếp tục tại vị bất chấp những người biểu tình kêu gọi ông từ chức.
Trong thành phần nội các mới, nhà ngoại giao Ahmed Ounais, từng là Đại sứ Tunisia tại Nga và Ấn Độ, sẽ giữ chức ngoại trưởng; cựu Trưởng Công tố viên Farhat Rajhi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ, ông Abdelkarim Zebidi đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Như vậy, số thành viên vốn là đảng viên của RCD trong nội các đã giảm xuống còn ba người so với năm người trong nội các lâm thời trước đó.
Đây là chính phủ lâm thời thứ hai tại Tunisia trong vòng 10 ngày qua, có nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong vòng 6-7 tháng tới.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Gannusi tuyên bố cuộc bầu cử tự do đầu tiên của nước này sẽ do một ủy ban quốc gia độc lập tổ chức và nằm dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra "công bằng và minh bạch."
Tuy nhiên, ông không tiết lộ thời điểm cụ thể tiến hành bầu cử. Ngoài ra, ông cũng khẳng định một nhiệm vụ quan trọng của nội các mới là tiến hành cải cách kinh tế và xã hội để thúc đẩy kinh tế phục hồi, cải thiện điều kiện sống cho người dân cả nước.
Công đoàn lao động Tunisia (UGTT) - tổ chức có uy tín lớn đối với lực lượng biểu tình, đã tuyên bố ủng hộ chính phủ lâm thời mới. Tuy nhiên, UGTT vẫn từ chối tham gia chính phủ này và cho biết sẽ hoạt động với tư cách là lực lượng đối lập.
Liên quan đến Tổng thống bị lật đổ Ben Ali, Interpol đã gửi lệnh truy nã đối với ông Ben Ali và sáu thành viên trong gia đình ông theo yêu cầu của Chính phủ lâm thời Tunisia.
Theo Interpol, các nước thành viên tổ chức này được lệnh truy tìm, bắt giữ tạm thời ông Ali và thân nhân để chờ yêu cầu dẫn độ từ Tunis.
Tuy nhiên, Canada đã từ chối yêu cầu trên của Interpol với lý do theo luật pháp Canada, chỉ thị trên của Interpol chưa đủ cấu thành lệnh bắt giữ.
Canada tuyên bố chỉ hành động sau khi nhận được yêu cầu chính thức để điều tra thông qua mạng lưới Interpol hoặc các kênh chính thức khác.
Trước đó, Tunisia đã đề nghị Canada bắt giữ tỷ phú Belhassen Trabelsi, anh vợ của ông Ben Ali. Canada đã cấp quy chế cư trú lâu dài cho ông Trabelsi và thân nhân sau khi những người này đến Canada tuần trước./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.