Như tin đã đưa, với chủ đề “Từ Chương trình tới Hành động-Chuẩn bị cho các Hiệp định Thương mại mới”, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 đã diễn ra sáng 5/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tạo môi trường thuận lợ nhất cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước đông đảo đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua.
Kinh tế vĩ mô ổn định
Tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Kinh tế vĩ mô ổn định và vững chắc hơn; lạm phát đã được kiểm soát tốt; xuất khẩu trong 3 năm (2011-2013) trung bình tăng trên 20%; tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng mạnh, đã bảo đảm trên 12 tuần nhập khẩu từ năm 2013 đến nay; cán cân thanh toán tổng thể thặng dự lớn; lãi suất giảm mạnh theo tín hiệu của kiểm soát lạm phát, phù hợp với kinh tế thị trường; nợ xấu của hệ thống ngân hàng từng bước được kiểm soát và xử lý.
Bên cạnh đó, cùng với phát triển kinh tế, tiến bộ công bằng xã hội tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Việt Nam đã hoàn thành nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trước thời hạn. Điều này đã được Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao
Chính trị xã hội ở Việt Nam tiếp tục ổn định, được bảo đảm vững chắc trên cơ sở sự đồng tình ủng hộ của người dân đối với các chính sách phát triển của Nhà nước.
Các đại biểu trong nước và quốc tế dự Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hỗ trợ DN kịp thời lúc khó khăn
Chia sẻ về sự việc đáng tiếc xảy ra vừa qua đối với một số doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây phẫn nộ đối với cả dân tộc Việt Nam. Một số nơi người dân biểu tình phản đối hành động ngang ngược này của Trung Quốc, lợi dụng việc biểu tình yêu nước của người dân, một số người manh động đã vi phạm pháp luật phá hoại tài sản của doanh nghiệp.
Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và không để tái diễn tình trạng này, đồng thời đã chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ và các doanh nghiệp bị thiệt hại, các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường.
Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh
Đề cập tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020. Mục tiêu kiên định, nhất quán là quyết tâm xây dựng Việt Nam là một đất nước xã hội chủ nghĩa, hòa bình, độc lập, tự chủ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, của cộng đồng quốc tế, đồng thời sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, trong đó nhấn mạnh 5 chính sách, giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn. Song song với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ chủ động đẩy nhanh hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, với nền kinh tế thế giới.
“Chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, nhất là thực hiện cơ chế giá theo kinh tế thị trường và phân bổ nguồn lực theo cơ chế kinh tế thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời với thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện các công cụ, các giải pháp để điều tiết, định hướng nền kinh tế để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Cùng với đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo cải cách, nhất là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, minh bạch hơn, bình đẳng hơn, cạnh tranh hơn, phù hợp với tinh thần kinh tế thị trường và phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế, thông lệ quốc tế.
Việt Nam sẽ ban hành các luật, quy định bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như Hiến pháp đã quy định là doanh nghiệp được làm những gì, sản xuất kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Thủ tướng cho biết: “Chính phủ đang trình Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp theo tinh thần Hiến pháp mới”. Với tinh thần này, Chính phủ Việt Nam đang tập trung chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng kinh tế thị trường, tự do kinh doanh, công khai, minh bạch, bình đẳng theo các cam kết quốc tế.
“Hôm nay, tôi hết sức lắng nghe và cám ơn ý kiến kiến nghị của quý vị, tôi sẽ yêu cầu các Bộ trưởng giải quyết các kiến nghị hợp lý của các quý vị, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thứ hai, với việc đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu để cạnh tranh cao hơn, hiệu quả cao hơn, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển doanh nghiệp tư nhân, coi đây là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút mạnh hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ ba, Việt Nam sẽ thực hiện quy chế khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế, cả trong nước và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, cả hạ tầng kinh tế và xã hội, trong đó hết sức khuyến khích hợp tác theo hình thức đối tác công -tư (PPP). Chính phủ Việt Nam cũng đang tập trung dành nguồn lực thỏa đáng để đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của các doanh nghiệp.
Thứ tư, trong trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Việt Nam sẽ bảo đảm và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân cũng như quyền dân chủ của người dân thông qua các tổ chức tự nguyện và hợp pháp của mình và trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền, đồng thời đặc biệt coi trọng hoàn thiện xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đã và sẽ tiếp tục bảo đảm, tăng cường ngày càng vững chắc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường sống yên bình cho mọi người dân; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, các doanh nghiệp, người nước ngoài đang công tác, làm việc, học tập, làm ăn sinh sống ở Việt Nam. Hệ thống chính trị của Việt Nam hoàn toàn đủ sức để thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng cũng tái khẳng định Việt Nam kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia, theo đúng luật pháp quốc tế, đồng thời sẽ không để tái diễn tình trạng một số người manh động vi phạm pháp luật như vừa qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.