Ngày 18-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 2108/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với mục tiêu của đề án nhằm sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tập trung vào ba lĩnh vực chính là công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển. Xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, bao gồm: công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ tổ chức và hoạt động. Trong đó, công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các công ty con (3 Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, Bạch Đằng và Phà Rừng, 12 công ty thành viên), 2 công ty liên doanh (Công ty trách nhiệm hữu hạn Sejin-Vinashin và Công ty trách nhiệm hữu hạn Songsan- Vinashin), một công ty liên kết là Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin, hai đơn vị sự nghiệp là Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy và Trường Cao đẳng nghề Vinashin.
Yêu cầu của đề án tái cơ cấu là không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế; duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp. Khai thác, sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã và đang đầu tư; thu hồi tối đa các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến sản xuất kinh doanh chính để tập trung cho phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển. Thời gian tái cơ cấu: năm 2011-2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.