Ngày 4-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2022. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; bộ trưởng các bộ; thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Buổi sáng, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021 và tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Kinh tế - xã hội đang phục hồi tích cực
Các thành viên Chính phủ cho rằng, với chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", các bộ, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết 01, 02 và Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Trong quý I-2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" gồm tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, thực hiện kiểm soát rủi ro, giảm số ca chuyển nặng, tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới…
Đáng chú ý, lãnh đạo Chính phủ tăng cường công tác thực tế tại cơ sở, thăm, khảo sát, làm việc nhằm gỡ những nút thắt quan trọng, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đang phục hồi tích cực.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I-2022 theo giá hiện hành tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15-3 đạt 25,5% dự toán năm. Chi ngân sách nhà nước đạt 15,6% dự toán năm, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Quý I-2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.
Thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Công tác an sinh xã hội được các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.
Về dịch Covid-19, số ca mắc tiếp tục tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố, chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron làm lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt quan tâm chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên số ca chuyển nặng giảm và tỷ lệ tử vong trên số ca mắc giảm sâu...
Các thành viên Chính phủ cũng thảo luận, phân tích, dự báo tình hình quốc tế và tác động của tình hình thế giới đối với trong nước, nhất là về thị trường nhiên liệu, giá dầu, vận tải, logistics, xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; phân tích kết quả phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Các đại biểu phân tích tình hình dịch Covid-19 và sự trở lại của các hoạt động kinh tế - xã hội; việc triển khai các gói tín dụng phục hồi kinh tế - xã hội; công tác xây dựng quy hoạch; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; công tác chuyển đổi số; phát triển năng lượng sạch; đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ phát triển mới; công tác phòng, chống tiêu cực; giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập
Kết luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị và ý kiến thảo luận trách nhiệm, tâm huyết và sôi nổi của các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp như: Xung đột tại Ukraine, cạnh tranh nước lớn gay gắt; tình trạng khan hiếm nguyên liệu, giá nguyên liệu, nhất là dầu khí tăng cao; lạm phát ở nhiều nước tăng; tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp... Điều đó ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước.
Ở nước ta, cơ bản vẫn kiểm soát được dịch Covid-19, tiếp tục mở cửa trở lại nền kinh tế, mở cửa du lịch, mở cửa trường học, song dịch vẫn diễn biến phức tạp; giá nguyên liệu, giá dầu thế giới tăng gây áp lực cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nước; mưa lũ bất thường; tình hình tội phạm tiềm ẩn phức tạp... Như vậy, chúng ta vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa phải giải quyết các vấn đề tồn đọng nhiều năm và giải quyết những vấn đề đột xuất nảy sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, trong quý I-2022, Chính phủ bám sát chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực: Kinh tế có mức tăng trưởng khá; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; 5 cân đối lớn được đảm bảo; an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện tốt; chính trị ổn định; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được tăng cường; lòng tin của nhân dân và sự tin tưởng của bạn bè quốc tế, nhà đầu tư được tăng lên...
Theo Thủ tướng, sở dĩ có được thành tựu đó, là do chúng ta đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chính phủ và các cấp chính quyền điều hành, xử lý công việc chủ động, tích cực, sáng tạo; có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền các cấp đối với các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là giữa Chính phủ và Quốc hội.
Thủ tướng cho rằng, qua công tác điều hành, quản lý đã rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm. Đó là, phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với thế giới, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá. Có sự đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống, đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, giữ nguyên tắc, song linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Các cơ quan, địa phương tích cực, chủ động trong thực hiện theo chức năng, quyền hạn và căn cứ vào tình hình, diễn biến mới để thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ bằng mọi biện pháp
Thủ tướng Chính phủ nhận định, tình hình thời gian tới có cả thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành phải bằng mọi biện pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.
Theo đó, phải tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo 5 cân đối lớn; thực hiện có hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19; giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bất cứ hoàn cảnh nào; giữ ổn định chính trị; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; củng cố, phát huy đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính hơn nữa; tạo niềm tin của nhân dân, bạn bè quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ rõ, công tác đầu tư công vẫn chưa được cải thiện đáng kể, do đó cần có giải pháp thúc đẩy giải ngân, dứt khoát không manh mún, chia cắt, kéo dài; chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thúc đẩy công tác quy hoạch, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế trong công tác quy hoạch; xây dựng các kịch bản xử lý các tác động bởi cuộc xung đột tại Ukraine; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong hoạt động thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản...
Xây dựng pháp luật để siết chặt kỷ cương, song mở ra cơ hội cho phát triển
Buổi chiều, Chính phủ nghe, thảo luận đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); đề nghị xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh và một số nội dung quan trọng khác.
Thảo luận về nội dung xây dựng pháp luật, các thành viên Chính phủ đã làm rõ thêm sự cần thiết phải có các dự án, đề nghị xây dựng Luật này; những điểm nghẽn, bất cập cần giải quyết; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật... trên quan điểm ban hành luật không chỉ để quản lý mà tạo hành lang pháp lý để phục vụ, thúc đẩy phát triển.
Cùng với có ý kiến cụ thể với từng nội dung của các dự án luật, kết luận về nội dung xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất về nội dung các dự án luật và ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng giao các bộ, cơ quan liên quan chủ trì, phối hợp tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét.
Trong đó, các bộ, ngành chủ trì tiếp tục rà soát, đánh giá, tổng kết toàn diện việc triển khai thi hành các chính sách, pháp luật liên quan hiện nay; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án luật phù hợp với điều kiện Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thực tiễn, các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội để việc chuẩn bị hồ sơ trình các dự án luật đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo thời gian, chất lượng.
Thủ tướng chỉ rõ, các luật, quy định phải bám sát thực tiễn, tháo gỡ được nút thắt, khơi thông cho sự phát triển; theo hướng đơn giản thủ tục hành chính; có các tiêu chuẩn, tiêu chí; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và giám sát, kiểm tra, chống được tiêu cực, tham nhũng; tạo ra khung pháp lý, đảm bảo tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, song mở ra cơ hội để tập trung cho sự phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.