Trong chương trình thăm, làm việc tại Thái Bình, chiều 8-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2021, 4 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.
Dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương liên quan và lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế.
Báo cáo của tỉnh tại buổi làm việc cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19 và những khó khăn chung, Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp của Thái Bình đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng.
Thái Bình đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỷ lệ số ca nhiễm/số ca tử vong trong 2 năm qua là 0,026%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc (0,4%); là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng mũi tiêm vắc xin Covid-19.
Kinh tế cơ bản ổn định, dần phục hồi và tăng trưởng khá; tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 tăng 6,68% (đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố), quý I-2022 tăng 7,44% (đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố). Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 28,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 37,8%. Tổng thu ngân sách ước đạt 10.580,3 tỷ đồng, tăng 65,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 35% kế hoạch, thuộc tốp đầu và cao hơn bình quân chung của cả nước.
Môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện, là động lực mới trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế; trong đó đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn (như TH, Trường Hải, Lộc Trời, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Geleximco, Sun Group, IDICO, Viglacera...) cùng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào nghiên cứu, thực hiện đầu tư, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng được tăng cường; công tác sắp xếp tổ chức bộ máy đạt nhiều kết quả tích cực; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng viên được quan tâm, nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
Tỉnh Thái Bình đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương một số nội dung nhằm hỗ trợ tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội như: Hỗ trợ Thái Bình thực hiện dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh; cho phép tỉnh Thái Bình nghiên cứu phương án lấn biển để mở rộng quỹ đất, chủ động ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển, tạo không gian mới để phát triển; bổ sung một số khu công nghiệp; xem xét bổ sung, quy hoạch phát triển điện gió, điện khí LNG tỉnh Thái Bình vào quy hoạch chung cả nước; hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng, hộ nghèo và điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với người nhiễm chất độc hóa học...
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương liên quan đã phát biểu làm rõ tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, hạn chế và kết quả mà tỉnh Thái Bình đã đạt được. Các đại biểu nhấn mạnh, tỉnh Thái Bình có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển và ven biển; do đó, đề nghị tỉnh Thái Bình phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, mở rộng không gian hướng biển để phát triển.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, nghị quyết, chương trình của Quốc hội, Chính phủ và các Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh.
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất nội bộ, Thái Bình đạt được nhiều kết quả quan trọng: tăng trưởng kinh tế khá cao; thu ngân sách tăng; giải ngân đầu tư công tốt; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao; hạ tầng cơ sở có bước phát triển mới; thu hút đầu tư hiệu quả hơn; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm... "Thành tựu của tỉnh Thái Bình góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ năm 2021, những tháng đầu năm 2022 của cả nước", Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, Thái Bình chưa có đột phá; hạ tầng chiến lược chậm phát triển; chưa khai thác hết tiềm năng đất đai và nguồn lực lao động... Trong khi các địa phương bên cạnh đã có những bứt phá, thì Thái Bình phải vượt lên chính mình hơn nữa để có đột phá, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh.
Người đứng đầu Chính phủ vui mừng vì Thái Bình có quyết tâm đưa tỉnh trở thành tỉnh kiểu mẫu trong vùng đồng bằng sông Hồng và toàn quốc; cho rằng, định hướng phát triển tỉnh Thái Bình sát với tình hình và điều kiện của tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Thái Bình vốn được biết đến là vùng “quê lúa, đất nghề”, là tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội như: gần với các trung tâm kinh tế lớn, nằm trong khu kinh tế động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); có nguồn nhân lực dồi dào; hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ. Ngoài ra, Thái Bình còn là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, có tiềm năng trong phát triển du lịch, dịch vụ và làng nghề.
Do đó, tỉnh phải nhận thức rõ và tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh này để phát triển; với tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại mà tích cực, chủ động đi lên từ nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển.
Thủ tướng yêu cầu, trước mắt Thái Bình cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các chương trình, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX đã đề ra.
Tỉnh cần nhận thức rõ nét về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp; cụ thể hóa trong công tác quy hoạch để mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy tỉnh phát triển toàn diện.
Tỉnh cần tập trung cho công tác quy hoạch, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, đi trước một bước, có trọng tâm, trọng điểm, tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và tạo ra động lực mới để phát triển. “Thái Bình đất hẹp, người đông; người xưa đã chọn nơi đây là nơi lấn biển. Do đó tỉnh phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển hướng ra biển”, Thủ tướng chỉ rõ.
Theo Thủ tướng, Thái Bình phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, ổn định, hiệu quả, nhưng phải xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh, là trụ cột cho sự phát triển. Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có phát triển lúa gạo chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cũng theo Thủ tướng, Thái Bình cần tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh, khu vực phát triển nhanh, năng động, nhất là các tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường trục kết nối các khu chức năng trong Khu kinh tế; đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh... để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và xúc tiến, thu hút dự án đầu tư vào tỉnh. “Tỉnh cần đẩy mạnh huy động nguồn lực cho phát triển, trong đó đẩy mạnh hợp tác công tư”, Thủ tướng gợi mở.
Thủ tướng đề nghị Thái Bình tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng tối đa nguồn nhân lực được tạo ra từ hai trường đại học trên địa bàn tỉnh là Đại học Y Thái Bình và Đại học Thái Bình cho phát triển. Trong đó, tỉnh nghiên cứu xây dựng trung tâm y tế lớn gắn với Trường Đại học Y Thái Bình phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh Thái Bình chủ động thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là của các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm; công tác thủy lợi, bảo đảm an toàn đê điều; thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Thái Bình tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vì nhân dân phục vụ.
Về các đề xuất, kiến nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý về mặt nguyên tắc; đề nghị các bộ, ngành, đơn vị bàn bạc với tỉnh xây dựng lộ trình, chương trình giải quyết theo thầm quyền.
Những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất, trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền giải quyết, trên nguyên tắc linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo đúng pháp luật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn; làm việc nào dứt điểm việc đó”, nhất định Thái Bình sẽ gặt hái được nhiều thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.