Chiều 16-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi số ca mắc trong cộng đồng vẫn tăng trong những ngày qua.
Dự họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là với chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh, độc lực chưa được xác định, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao. Trong khi trong nước, số ca mắc Covid-19, nhất là ca mắc trong cộng đồng, vẫn tăng; năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở vẫn chưa có nhiều chuyển biến...
Do đó, mặc dù Ban Chỉ đạo mới họp với 63 địa phương cách đây không lâu, song Thủ tướng vẫn tổ chức cuộc họp này nhằm tìm nguyên nhân, biện pháp cụ thể, thực chất, quyết liệt xử lý, ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin cho cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên và 12 đến 17 tuổi; bàn về thuốc điều trị Covid-19; bàn về việc tăng cường sức mạnh của y tế cơ sở, y tế dự phòng... nhằm tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương thẳng thắn nêu những khó khăn, vướng mắc, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các vấn đề liên quan phòng, chống dịch để bàn giải pháp xử lý, kể cả về vắc xin, thuốc điều trị, vật tư, nhân lực y tế hoặc giải quyết những vướng mắc, lúng túng trong chỉ đạo, triển khai... Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương kiểm kê tổng chi cho công tác phòng, chống dịch, tổng hợp sự hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch, trên cơ sở đó có tính toán để dự trù nguồn lực cho năm 2022...
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 9 đến 15-12, cả nước ghi nhận thêm 106.918 ca mắc mới (64.723 ca cộng đồng, chiếm 60,5% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 71,2% ca mắc mới trong cộng đồng; miền Bắc 12%; miền Trung 15,6% và Tây Nguyên 1,1%. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 15,1%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tăng 8,3%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%...
Bộ Y tế nhận định, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh; có tâm lý chủ quan trong người dân, không thực hiện quy định "5K" về phòng, chống dịch...
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, phân tích, cơ bản nhất trí với nhận định về tình hình và nguyên nhân khiến số ca mắc cộng đồng tiếp tục tăng, trong đó, nhấn mạnh nguy cơ dịch lây lan mạnh nếu biến chủng vi rút Omicron xâm nhập vào dịp nghỉ lễ sắp tới.
Lãnh đạo các địa phương cũng phản ánh về tình trạng một số người dân chưa tự giác tiêm chủng, trong khi một số người đã tiêm vắc xin lại chủ quan cho rằng, có vắc xin thì không bị lây nhiễm nên không thực hiện thông điệp "5K"; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại một số địa phương lỏng hơn so với trước; còn lúng túng khi có nhiều ca mắc trong cộng đồng nên chậm xử lý dứt điểm; năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu...
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề xuất tiếp tục bổ sung vắc xin, thuốc điều trị cho các địa phương; xem xét, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ cho những địa phương có nhiều ca mắc trong cộng đồng và phải chuyển lên tuyến trên; đề nghị hướng dẫn thêm, điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 128/NQ-CP cần tiếp tục được thực hiện; việc phòng, chống dịch phải theo 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Tuy nhiên, việc áp dụng cần linh hoạt, sáng tạo theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, mục tiêu cần nhất hiện nay là phải hạn chế tối đa số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện như hướng dẫn; chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan, nhất là tại địa bàn tập trung đông khu công nghiệp, các đô thị lớn; rà soát, xem xét lại cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định.
Để giảm các ca mắc Covid-19 chuyển nặng thì phải tăng cường năng lực của y tế cơ sở để người bệnh được tiếp cận từ sớm, từ xa; kết hợp với công tác xét nghiệm tầm soát; không để xảy ra tình trạng người dân phải gọi điện nhiều lần mới tiếp cận được y tế; bảo đảm đủ dinh dưỡng, thuốc điều trị, động viên tinh thần, kết hợp Đông - Tây y để chữa trị cho người bệnh.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong phòng, chống dịch nói chung, vấn đề vắc xin là cốt lõi. Do đó, phải thần tốc tiêm vắc xin cho người dân, phấn đấu đến ngày 31-12-2021 hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1-2022, tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung ứng đủ vắc xin và vật tư, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức tiêm; các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động tiêm vắc xin cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn và có quy định, chế tài đối với những người cố tình không tiêm vắc xin. Nếu thiếu vắc xin thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm; nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vắc xin cho người dân thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Riêng việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên thì tiếp tục phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem xét.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, cung ứng thuốc điều trị Covid-19, tổng hợp dự báo nhu cầu và khả năng đáp ứng thuốc điều trị Covid-19 để tránh bị động; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất vắc xin trong nước; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở; nghiên cứu, có đề xuất cơ chế, chế độ, chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều động, bổ sung nhân lực cho các địa bàn đang có dịch; tiếp tục huy động cán bộ y tế đã về hưu, y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch.
Các địa phương có nhiều ca nhiễm và ca chuyển nặng phải thành lập các trạm xá lưu động để thu dung, điều trị kịp thời. Những địa phương có dịch diễn biến phức tạp, quá năng lực đáp ứng thì phải khẩn trương báo cáo Trung ương để được chi viện, hỗ trợ kịp thời.
Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tổ chức thí điểm mở cửa trở lại các đường bay quốc tế để đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của kiều bào tại các nước, chuyên gia, doanh nhân, lao động, khách du lịch... bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Các địa phương phải làm việc với các doanh nghiệp để bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, tạo điều kiện duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục bảo đảm an sinh, xã hội; tuyên truyền để nhân dân hiểu và tích cực tham gia phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho mình, cho gia đình mình, cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
“Có chống dịch hiệu quả thì mới có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; và có phát triển kinh tế - xã hội mới có nguồn lực để phòng, chống dịch. Đây là hai vấn đề có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần hỗ trợ gì, khó khăn, vướng mắc gì thì mạnh dạn báo cáo lên Chính phủ để xem xét, giải quyết kịp thời”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.