Xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó mưa lũ

Theo TTXVN 10/09/2024 14:45

Các bộ, ngành, địa phương chủ động, chỉ đạo, tổ chức, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả nội dung 5 công điện mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đặc biệt là nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 9-9 về phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Sau khi thị sát tình hình lũ lụt và công tác ứng phó tại xã Tiên Sơn và Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, trưa 10-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với tỉnh Bắc Giang, họp trực tuyến với điểm cầu Trụ sở Chính phủ, tỉnh, thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đang diễn ra nghiêm trọng.

thu-tg-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Giải quyết ngay kiến nghị của người dân Bắc Giang

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Bắc Giang báo cáo tình hình lũ lụt và hậu quả do mưa lũ ở tỉnh, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thân nhân các gia đình người bị nạn, những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ; đồng thời biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động phòng, chống, ứng phó với bão lụt, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.

Trước tình hình lũ lụt còn tiếp diễn phức tạp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Giang nắm chắc tình hình, xử lý linh hoạt, hiệu quả theo quy định, nhất là tại các tuyến đê điều, hồ đập xung yếu, quan trọng; tổ chức biện pháp thoát lũ, cứu lúa, hoa màu. Đồng thời, rà soát, đánh giá thiệt hại để có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại lớn với tinh thần “không để ai bị đói, rét, không có chỗ ở, học sinh phải sớm được đến trường”, đặc biệt tại làng Vân, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên đang bị chia cắt do lũ lụt; huy động các lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang cùng nhân dân ứng phó với lũ lụt, di dời, thu dọn, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Giang thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng tại các công điện, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống, ứng phó với bão, lũ; chủ động nắm tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, nếu vượt thẩm quyền thì tổng hợp kịp thời, xin ý kiến cấp có thẩm quyền giải quyết.

Cùng với đó, tỉnh kiểm tra hệ thống đê điều, tinh thần là “sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất có thể”, nhanh chóng ổn định tình hình. Các ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm rà soát thiệt hại của người dân, doanh nghiệp dân doanh, hợp tác xã để có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh; kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và cả hệ thống chính trị chung tay, góp sức, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, sản xuất.

Thủ tướng nhất trí với đề xuất của người dân, giao hai tỉnh phối hợp xây dựng cầu Vân Hà bắc qua sông Cầu nối hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, hoàn thành trong năm 2025, tạo điều kiện cho người dân hai bên bờ đi lại thuận tiện, an toàn; quy hoạch, bố trí quỹ đất, hỗ trợ để đưa người dân đang sinh sống trên sông nước lên bờ...

Sẵn sàng ứng phó phương án xấu nhất

Ngay sau khi làm việc với tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ đã họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về ứng phó với lũ lụt.

Theo báo cáo của các địa phương, do hoàn lưu của bão số 3, những ngày qua tại các tỉnh, thành phố phía Bắc có mưa lớn, kéo dài khiến nhiều diện tích bị ngập lụt; có địa phương bị cô lập hoàn toàn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ trưa 10-9 đến ngày 11-9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các sông khu vực hạ lưu Đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, khu vực cửa sông ven biển lên mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3.

Tại nhiều tỉnh có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi; độ rủi ro thiên tai do lũ là cấp 3. Đặc biệt, tại một số hồ như hồ Thác Bà… hiện nay đã gần đạt dung tích thiết kế, nguy cơ vỡ đập cao.

Lãnh đạo các địa phương cho biết, đã và đang di dời người dân ra khỏi vùng ngập úng; huy động lực lượng sửa chữa, khôi phục các hạ tầng bị hư hỏng; thu dọn vệ sinh môi trường; đặc biệt tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; đề xuất lực lượng vũ trang hỗ trợ lực lượng, phương tiện, nhất là trực thăng để đưa nhu yếu phẩm đến nơi đang bị mưa, lũ chia cắt.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, chỉ đạo, tổ chức, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả nội dung 5 công điện mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đặc biệt là nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 9-9 về phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an huy động lực lượng, phương tiện tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhất là vùng bị chia cắt. Các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng bằng mọi cách tìm đường để đưa nhu yếu phẩm cho người dân, không để ai bị đói, rét, thiếu chỗ ở; người bệnh phải được chữa bệnh; học sinh phải sớm được đến trường…

Về trình trạng một số hồ đập như hồ Thác Bà trước tình trạng nguy cấp, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tình huống xấu nhất có thể; chủ động chuẩn bị di dời các hộ dân có thể bị ảnh hưởng tới nơi an toàn; UBDN tỉnh, cơ quan chức năng sẵn sàng phương án, ban hành tình trạng khẩn cấp theo quy định khi tình huống xấu xảy ra.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm chắc tình hình, dự báo tình hình thiên tai, mưa lũ; khuyến cáo người dân và các cấp, các ngành phương án ứng phó. Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang kiểm soát vùng thượng lưu, giảm lưu lượng xuống các hồ đập, giảm nguy cơ quá tải các hồ đập. Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ huy tại hiện trường; các bộ, ngành, địa phương phối hợp xử lý kịp thời việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo chỉ đạo, vấn đề vượt thẩm quyền thì khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.