Sáng 25-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp nhận chủ trương đầu tư và ký kết ghi nhớ đầu tư vào tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nhân, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong và ngoài nước đến Cao Bằng với phương châm: “Hãy coi Cao Bằng như quê hương thứ hai, như ngôi nhà chung để cùng chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh dựng xây những giá trị mới”.
Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết duy trì ổn định về chính trị - an ninh; ổn định chính sách thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư; ổn định trong tư duy nhất quán phục vụ tốt hơn nữa doanh nghiệp và người dân.
Hoan nghênh Cao Bằng đã tổ chức sự kiện hội nghị xúc tiến đầu tư công phu, quy mô lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vị trí, vai trò và tiềm năng to lớn của Cao Bằng.
“Chúng ta sẽ quyết tâm tìm ra những đòn bẩy chiến lược để phát triển kinh tế Cao Bằng”, Thủ tướng nói và lưu ý đến việc khai thác tiềm năng rất lớn từ thị trường tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc với quy mô kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng cao; quen thuộc và ưa dùng các sản phẩm Việt Nam. Cũng từ Quảng Tây, hàng hóa của Cao Bằng và Việt Nam có thể kết nối với nhiều địa phương khác của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.
Thủ tướng nêu ra 3 hướng đi chính cho phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng bao gồm: Dịch vụ du lịch; nông nghiệp lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu.
Theo đó, về du lịch, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần đặc biệt coi trọng theo hướng đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng, đưa những di sản văn hóa, di tích quốc gia đặc biệt phục vụ cho quốc kế dân sinh, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và hơn 215 di tích được xếp hạng.
“Mô hình du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng, tương tác chiến lược các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực”,... để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc, khách du lịch “một lần đi, nhiều lần nhớ” đến Cao Bằng, Thủ tướng nói.
Về phát triển nông, lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, Thủ tướng nêu rõ, Cao Bằng có tiềm năng rất lớn về đất phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp; nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, vật nuôi đặc hữu, với nguồn gien phong phú. Đặc biệt, Cao Bằng sở hữu nhiều đặc sản nổi tiếng như: Lúa nếp hương Xuân Trường, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, thạch đen, bí xanh vùng Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông; mận máu Bảo Lạc, quýt Trà Lĩnh, lê Đông Khê, bưởi Phục Hòa, hạt dẻ Trùng Khánh…
Đây là lợi thế lớn nhất của Cao Bằng mà các tỉnh khác không có được. Thủ tướng gợi ý tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên ba trụ cột gồm: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến; liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành. Đặc biệt, Thủ tướng gợi ý Cao Bằng tập trung phát triển xuất khẩu gỗ rừng trồng - một mặt hàng xuất khẩu chủ lực và là thế mạnh của Việt Nam. Cùng với đó là nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường để định hướng nâng cao chất lượng hàng hóa.
Cho rằng, phát triển kinh tế cửa khẩu là một hướng ra trọng tâm của Cao Bằng, là chìa khóa hội nhập và phát triển, Thủ tướng đề nghị tỉnh “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển, hai bên cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau. Đề cao hợp tác thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là với thị trường đông dân nhất thế giới. Cao Bằng phải thấy được cơ hội chiến lược của mình trong đó”.
Để phát huy được lợi thế của địa phương, Thủ tướng đề nghị Cao Bằng cần chú trọng phát triển cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Theo đó, ngoài lĩnh vực giao thông, tỉnh cần chú ý đầu tư cho nguồn vốn con người, nhất là đào tạo lao động có kỹ năng chuyên sâu trong một số lĩnh vực trọng tâm mà tỉnh có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.
Truyền tải thông điệp với nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh Cao Bằng là cái nôi của cách mạng nhưng còn rất khó khăn. Đầu tư ở đây, ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế, còn tạo ra việc làm và thu nhập cho đồng bào.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết đầu tư của mình, đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương và chia sẻ có trách nhiệm với sinh kế người dân.
Tại hội nghị, tỉnh Cao Bằng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án, với tổng giá trị 3.581 tỷ đồng; trao 16 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trên 28.500 tỷ đồng. Cũng tại hội nghị, 4 ngân hàng thương mại tiếp tục cam kết tài trợ vốn tín dụng cho 6 dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, du lịch... với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.