Chiều 11-1-2020, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỉnh cần có tư duy đột phá, quyết liệt, không làm cầm chừng trong phát triển, nhất là tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Tinh thần là năm 2020, tỉnh Hà Nam tự cân đối ngân sách.
Hà Nam là địa phương đứng thứ 51 về số dân, xếp thứ 44 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 23 về GRDP bình quân đầu người.
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Nam, năm 2019, GRDP bình quân đầu người đạt 62,2 triệu đồng/người, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Thu ngân sách đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Hà Nam là một trong 8 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4/6 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nêu một số kiến nghị cụ thể, tỉnh mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào đầu nguồn sông Nhuệ, đồng thời giao cho tỉnh Hà Nam thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm tổ chức khảo sát, lập dự án xử lý nước thải sông Nhuệ, báo cáo Thủ tướng quyết định.
Hà Nam là tỉnh cửa ngõ phía Nam Hà Nội, kết nối khu vực Nam đồng bằng sông Hồng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, để phát huy hiệu quả hợp tác liên kết vùng, tỉnh đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm chấp thuận chủ trương, bố trí vốn để đầu tư xây dựng một số dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh, nhất là Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt đường sắt trên tuyến nối Quốc lộ 1A với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án thành phần II thuộc Dự án tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Hiện nay diện tích đất các khu công nghiệp của tỉnh đã lấp đầy trên 80%, tỉnh đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh điều chỉnh quy hoạch tăng quỹ đất công nghiệp từ 2.534ha lên 4.500 ha để thực hiện từ năm 2020.
Tỉnh cho biết, đã chủ động kêu gọi 2 nhà đầu tư về tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô và đầu tư cảng; đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, kinh tế tỉnh Hà Nam có những bước phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Hà Nam chưa khai thác hết tiềm năng. Một số chỉ tiêu mà Thủ tướng giao tại cuộc làm việc với tỉnh 2 năm trước chưa giải quyết được như cân đối ngân sách, phát triển doanh nghiệp. Nếu tỉnh không có cách làm đột phá thì tỉnh khó đạt mục tiêu có 11.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nam phải phấn đấu đi đầu, chứ không phải đi cuối trong phát triển, xác định tâm thế đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước; phải tìm ra lợi thế để phát triển tốt hơn nữa; còn không, dễ bị tụt hậu.
Tỉnh phải triển khai ngay các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ trong quý I-2020. Tỉnh cần có tư duy đột phá, quyết liệt, không làm cầm chừng trong phát triển, nhất là tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Tinh thần là năm 2020, tỉnh Hà Nam tự cân đối ngân sách, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ trọng công nghiệp sạch, công nghệ cao; phấn đấu sớm trở thành tỉnh nông thôn mới trong năm 2020; phải thực hiện tốt quy hoạch tỉnh (gồm cả quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng, đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao...); tập trung xây dựng phát triển đô thị văn minh hiện đại gắn với nông thôn mới bền vững.
Thủ tướng nhất trí chủ trương bổ sung Hà Nam vào vùng Thủ đô; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai theo hướng tiết kiệm đất, tiết kiệm và chế biến sâu khoáng sản để bảo vệ cảnh quan môi trường; phát triển du lịch, dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; không mở rộng các nhà máy xi măng.
Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng cơ bản ủng hộ nhằm tạo điều kiện cho Hà Nam phát triển như đồng ý việc thuê tư vấn nước ngoài để trả lời câu hỏi làm cách nào tốt nhất trong việc xử lý môi trường sông Nhuệ hay nhất trí việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực ô tô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.