Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 9

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn| 02/10/2020 06:43

Hôm nay, 2-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, nhìn lại 3/4 chặng đường của năm 2020, trên cơ sở đó đánh giá sơ bộ năm 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển cho năm 2021.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ dành thời lượng thích đáng để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và 02, tình hình phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tăng tốc, về đích trong những tháng cuối năm.

Chính phủ cũng sẽ xem xét, thảo luận công tác chuẩn bị kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, Báo cáo phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2021, tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về chính phủ điện tử và một số nội dung khác.

Nhìn lại 3/4 chặng đường 2020, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng dù ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua nhưng là nỗ lực đáng ghi nhận.

Tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý III-2020 ước tính đạt 2,62%, cao hơn nhiều mức tăng 0,39% của quý II và nhờ đó giúp GDP cả nước trong 9 tháng đạt mức tăng 2,12%. Dù là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đáng chú ý trong 3 tháng qua, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,95% và dịch vụ tăng 2,75%. Tính chung 9 tháng, các khu vực kinh tế tăng lần lượt 1,84%, 3,08% và 1,37%.

Với mức tăng trưởng cao, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đồng thời duy trì bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh, an dân trong bối cảnh đại dịch.

Một điểm sáng đáng chú ý khác là dù khu vực dịch vụ cũng tăng thấp nhất nhiều năm do các ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực duy trì tăng trưởng dương cao như bán buôn và bán lẻ tăng gần 5% hay hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 6,68%.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III-2020 tăng khá (7,4%) so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%, khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%. Có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng 2,69%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020.

Đáng chú ý, tính chung 9 tháng của năm 2020, cả nước có 16.500 lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66.500 lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,5% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 75,6% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo, đánh giá của một số tổ chức, định chế tài chính nước ngoài, triển vọng kinh tế Việt Nam rất sáng. Dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19. S&P dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021. Dự báo này cao hơn so với mức 1,8% của năm nay và 6,3% trong năm sau của ADB mới đây.

Còn theo nhận định mới nhất của HSBC, Việt Nam vẫn đang bền bỉ "đi nước kiệu" với tốc độ tăng trưởng dương hiếm hoi trong năm 2020. Dự kiến, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2021.

Lạc quan nhưng không chủ quan, khối lượng công việc cần làm trong tháng 10 và trong quý IV sắp tới còn rất nhiều và vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua, các bất cập, vướng mắc cần xử lý để có thể đạt cao nhất các chỉ tiêu đề ra.

Tại phiên họp hôm nay, bên cạnh những vấn đề cấp bách cần làm ngay trong 3 tháng cuối năm, các thành viên Chính phủ cũng sẽ tập trung thảo luận các định hướng cho năm tới trong bối cảnh tình hình mới.

HNMO sẽ tiếp tục thông tin về phiên họp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 9

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.