Sáng 3/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh thương mại & đầu tư ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh thương mại & đầu tư ASEAN-Trung Quốc lần này tổ chức đúng vào dịp 10 năm ASEAN - Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và ASEAN - Trung Quốc đề ra mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 500 tỷ USD vào trước năm 2015, vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng.
Hội chợ triển lãm ASEAN-Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trung Quốc là đối tác ngoại khối đầu tiên và quan trọng nhất của ASEAN. Trung Quốc là nước đối tác đầu tiên mà ASEAN thiết lập Khu vực thương mại tự do. Thương mại hai bên phát triển nhanh chóng, với tốc độ phát triển bình quân hàng năm đạt 22%. Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào các nước ASEAN cũng tăng trưởng đều đặn. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân trong khu vực ngày càng được thặt chặt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy cả ASEAN và Trung Quốc đều không ngừng có các nỗ lực, sáng kiến để tạo dựng nền tảng tốt hơn cho sự phát triển, tin tưởng rằng, trên cơ sở nỗ lực của các bên, sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, đồng đều hơn trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao vai trò của Hội chợ ASEAN-Trung Quốc được tổ chức hàng năm, tạo cơ hội quan trọng để giới thiệu tiềm năng của mỗi nước, cũng như giúp doanh nghiệp các nước tìm kiếm đối tác, cơ hội làm ăn.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam luôn ủng hộ và coi trọng hợp tác ASEAN - Trung Quốc đồng thời tin tưởng rằng, khuôn khổ này góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Việt Nam cũng ủng hộ nghiên cứu, trao đổi để nâng cấp phiên bản Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, phù hợp với lợi ích chung của các bên, để cùng nhau phát triển, cùng nhau hưởng lợi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, cùng với hợp tác, phát triển trên các lĩnh vực, các tranh chấp, khác biệt trong khu vực là một thực tế khách quan, phải được cùng nhau kiểm soát trách nhiệm, hiệu quả, phải cùng nhau xây dựng lòng tin và quyết tâm chính trị, phải cùng nhau hiệp thương, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cở sở luật pháp quốc tế, cùng nhau tìm giải pháp thích hợp, thỏa đáng mà các bên liên quan đều chấp nhận, đồng thuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.