Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng nêu nhiệm vụ về “nước và rừng” cho Tây Nguyên

Theo baochinhphu.vn| 20/06/2016 21:54

Chiều nay, 20/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc giao ban với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên, tập trung vào vấn đề nước và rừng.

Tham dự giao ban có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, 16 bộ và 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum).

Thủ tướng nêu rõ Tây Nguyên cần phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn, cùng với cả nước hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2016 khi Chính phủ đã khẳng định quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu nào. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nông, lâm nghiệp chiếm 80% cơ cấu kinh tế toàn vùng Tây Nguyên, trong khi 6 tháng đầu năm nay, các tỉnh Tây Nguyên đối mặt với khô hạn kéo dài, khiến sản xuất nông nghiệp thiệt hại 5.400 tỷ đồng, hàng chục nghìn hecta cà phê và lúa mất trắng. Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm cũng giảm năm thứ ba liên tiếp.

Tuy nhiên, kinh tế Tây Nguyên cũng có những điểm sáng như tăng trưởng đạt mức 6%. Toàn vùng có 80 xã được cấp tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có một huyện là Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với tỷ lệ hộ nghèo vẫn lớn, 7,34%, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã chăm lo đời sống cho người dân, nhất là các gia đình đặc biệt khó khăn, hộ gia đình chính sách, đồng thời hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi để người dân sản xuất, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành đã chỉ ra những thế mạnh, thời cơ, thách thức cũng như các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội cho Tây Nguyên.

Theo đó, thách thức đặt ra với Tây Nguyên hiện nay là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tỷ lệ hồ chứa mới đáp ứng được 1/4 diện tích sản xuất. “Các đồng chí nên điều chỉnh cơ cấu cây trồng, đầu tư nhiều vào cây có giá trị, nhất là hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật mới như tưới nước nhỏ giọt, từ đó, có thể giảm 30% lượng nước tưới, tăng 10-20% năng suất”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát góp ý.

Theo đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu đứng đầu cả nước nhưng chủ yếu là xuất thô. Cho rằng các tỉnh Tây Nguyên phải quan tâm chế biến sâu, đại diện Bộ Công Thương cho biết có thể giúp Tây Nguyên xúc tiến đưa các mặt hàng nông sản vào hệ thống phân phối, nhưng phải cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Cũng theo nhiều đại biểu tại hội nghị, thế mạnh “trời cho” của vùng là đất đai màu mỡ lại chưa được khai thác hiệu quả.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Trung ương hỗ trợ phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi và giao thông, phát triển rừng, nông nghiệp công nghiệp cao, ưu tiên bố trí vốn vay ODA…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Chú trọng 2 vấn đề nước và rừng

Kết luận cuộc giao ban, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với vị trí chiến lược quan trọng, Tây Nguyên luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, giúp vùng có bước phát triển ngoạn mục thời gian qua. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng không thể chủ quan, cần nhìn rõ hạn chế, yếu kém để khắc phục. Đó là quy mô, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sản phẩm còn bất cập, giải ngân chậm, môi trường đầu tư kinh doanh chưa cải thiện nhiều, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, còn để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, chất cấm trong chăn nuôi. Công tác quy hoạch, sắp xếp dân di cư còn gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề đất và nước rất quan trọng đối với Tây Nguyên, là nền tảng để người dân có sinh kế lâu dài, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng “chúng ta không khuyến khích dân di cư đến Tây Nguyên nhưng vì miếng cơm manh áo, bà con đã đến đây rồi thì phải quan tâm, chăm lo cho bà con”.

“Giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên”, nhấn mạnh điều này, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải thực hiện tốt các chương trình Trung ương đã ban hành như Nghị định 75 của Chính phủ về rừng và đất rừng, chương trình nước sạch, đất sản xuất, đất ở; tháo gỡ các “điểm nghẽn” để thu hút vốn đầu tư, với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trọng tâm phát triển.

Còn về nước, một vấn đề lớn với Tây Nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, nhất là hiện tượng El Nino thời gian vừa qua, Thủ tướng cho rằng phải suy nghĩ lại, từ điều tra cơ bản nguồn nước, lập quy hoạch các hồ chứa nước, những công trình phục vụ phát triển Tây Nguyên, nếu không sẽ thất bại, kể cả khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới nhỏ giọt, tưới phun ở những vùng sản xuất tập trung.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện quy hoạch kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực vùng Tây Nguyên để đề xuất, sửa đổi, bổi sung, ban hành mới cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù phát triển vùng. Nghiên cứu đề xuất chủ trương về tổ chức hoạt động điều phối liên kết vùng, tránh tình trạng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”.

Tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, có kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tận dụng tối đa các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do.

Từ nay đến năm 2020, đẩy mạnh thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, một đặc sản, thế mạnh của Tây Nguyên.

Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan truyền thông phát hiện các cơ sở, đại lý sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng để điều tra, xử lý nghiêm, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân.

“Các tỉnh ủy đều phải thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững như tôi đã kết luận tại hội nghị phục hồi rừng sáng nay”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Phải tập trung chỉ đạo tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các nông, lâm trường, không để xảy ra tình trạng như người dân phản ánh là đất tốt thì nông, lâm trường dành cho “đối tác”, trong khi đất xấu thì đẩy cho người dân.

Nhấn mạnh phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng lưu ý các tỉnh trong vùng thực hiện tốt việc duy trì, bảo tồn và xúc tiến hoạt động văn hóa, duy trì truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc Tây Nguyên để nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và bạn bè trong nước và quốc tế.

Cho rằng “không sợ nghèo mà lo nhất là thiếu ý chí để vươn lên, thiếu kiến thức để phát triển”, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phải tự giàu lên từ chính mảnh đất của mình.

Tây Nguyên cần phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn, cùng với cả nước hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2016 khi mà Chính phủ đã khẳng định quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu nào - Thủ tướng nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng nêu nhiệm vụ về “nước và rừng” cho Tây Nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.