Bạc Liêu cần thấy rõ những tồn tại, hạn chế của mình để ra sức khắc phục, đồng phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm dây chuyền sản xuất của SABECO. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Sáng 26/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng là một tỉnh có điểm xuất phát thấp, song với sự phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, kinh tế-xã hội của Bạc Liêu có thời gian qua tiếp tục những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên các mặt. Kinh tế tăng trưởng cao, tăng liên tục; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, Bạc Liêu cũng cần thấy rõ những hạn chế, yếu kém để tập trung khắc phục như quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng nông nghiệp còn lớn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; thu nhập đầu người chưa cao; thu ngân sách thấp; tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm mạnh nhưng còn cao (trên 9%)...
Bạc Liêu cần thấy rõ những hạn chế của mình để rà sức khắc phục, đồng phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện hơn. Trung ương luôn chia sẻ với những khó khăn của Bạc Liêu và sẽ hết sức quan tâm, hỗ trợ Bạc Liêu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bạc Liêu đặc biệt quan tâm phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, trước hết là lợi thế về phát triển nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, gắn với thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng nuôi trồng, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với thị trường; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến theo hướng chế biến sâu các sản phẩm nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời chú ý hỗ trợ về giống, vốn, đầu tư hạ tầng... cho phát triển nông nghiệp, dần hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, qua đó tạo sức cạnh tranh mạnh hơn, đưa thu nhập của người dân lên cao hơn.
Một điểm lớn nữa mà Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bạc Liêu là cần hết sức chú ý chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, bởi đây là một trong những yếu tố mang tính đột phá chiến lược, quyết định, nền tảng cho phát triển; trong phát triển giáo dục cần hết sức coi trọng công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động; chú trọng đào tạo lao động có tay nghề, trình độ cao để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện địa hóa của địa phương.
Đồng thời quan tâm khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, dịch vụ, nâng cao hơn nữa tỷ trọng của lĩnh vực này trong GDP. Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, làm tốt hơn công tác giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân; thúc đẩy sự phát triển văn hóa-xã hội; hết sức chú ý huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, trường học, trạm xá; thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nông dân tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, tăng thu nhập...
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh dự án điện gió... qua đó tạo động lực, tiền đề thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác, đóng góp vào ngân sách, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã xem xét và cho ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của Bạc Liêu liên quan đến định hướng, chủ trương hỗ trợ, phân bổ vốn đầu tư đối với những công trình, dự án trọng điểm, như Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Dự án Ký túc xá sinh viên của tỉnh; Dự án xây dựng Trường đại học Bạc Liêu; các dự án đầu tư xây dựng nạo vét hệ thống thủy lợi cấp bách, thau chua rửa mặn phục vụ sản xuất; Dự án đầu tư xây dựng đoạn đê biển cấp bách, bức xúc, chống biến đổi khí hậu...
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho biết, trong quý I/2014, các cấp, các ngành của Bạc Liêu đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 11,3% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 49,8%, công nghiệp-xây dựng chiếm 24,5% và dịch vụ chiếm 25,7% trong GDP.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại giữ tốc độ tăng trưởng khá. Các giải pháp về tiền tệ và ngân hàng được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên; an ninh chính trị và và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Đến nay, 50/50 xã đã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới, có 5 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên; 13 xã đạt từ 10-14 tiêu chí.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2014-2015 được Bạc Liêu xác định là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, trong đó có tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu; tăng cường xúc tiến đầu tư, lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ 15.000 ha nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp; thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, chú trọng và ưu tiên đầu tư các đường về trung tâm xã, tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông nội ô Bạc Liêu và trung tâm các huyện, xây dựng mới và nâng cấp hệ thống giao thông theo tiêu chí nông thôn mới; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội...
Cũng tại Bạc Liêu, ngày 26/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Khu di tích đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu; thăm Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Nhà máy Bia Sài Gòn-Bạc Liêu.
Trước đó, chiều 25/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Đây là một trong những dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam. Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 khởi công cuối năm 2010. Hiện đã có 10 trụ và turbine gió được lắp đặt xong, mỗi turbine có công suất 1,6MW.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.